Đầu tư vào doanh nghiệp đã thành lập (dưới đây gọi là “Doanh nghiệp mục tiêu”) thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp đó cũng là một hình thức đầu tư mà nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) hiện nay thường lựa chọn để đầu tư vào Việt Nam. NĐTNN có thể đầu tư vào một doanh nghiệp đã thành lập thông qua các hình thức sau:
I. Tổng quan
- Đầu tư vào doanh nghiệp đã thành lập (dưới đây gọi là “Doanh nghiệp mục tiêu”) thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp đó cũng là một hình thức đầu tư mà NĐTNN hiện nay thường lựa chọn để đầu tư vào Việt Nam. NĐTNN có thể đầu tư vào một doanh nghiệp đã thành lập thông qua các hình thức sau:
- NĐTNN góp vốn vào tổ chức kinh tế thông qua mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và góp vốn vào tổ chức kinh tế khác.
- NĐTNN mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế qua hình thức Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh và mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác.
II. Điều kiện đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
- Việc xác định loại hình Doanh nghiệp mục tiêu là một trong những vấn đề quan trọng cần xem xét, bởi lẽ từng loại hình của doanh nghiệp mục tiêu có thể dẫn tới pháp luật áp dụng khác nhau, theo đó trình tự, thủ tục đầu tư cũng khác nhau. Trường hợp rót vốn vào các Doanh nghiệp mục tiêu như công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty dầu khí, bảo hiểm…, NĐTNN cần lưu ý các điều kiện, thủ tục thực hiện pháp luật chuyên ngành đó.
- Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư 2020; Khoản 4 Điều 65 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, NĐTNN đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp phải đáp ứng các quy định, điều kiện sau:
- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với NĐTNN;
- Đáp ứng điều kiện về bảo đảm quốc phòng, an ninh và điều kiện sử dụng đất đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong trường hợp tổ chức kinh tế đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trừ tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được thành lập theo quy định của Chính phủ.
- Căn cứ quy định tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh bao gồm:
- Khu vực có công trình quốc phòng, an ninh, khu quân sự, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự theo pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;
- Khu vực giáp ranh các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ theo pháp luật về cảnh vệ;
- Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;
- Khu kinh tế – quốc phòng theo quy định của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng;
- Khu vực có giá trị về phòng thủ quân sự, quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế – xã hội;
- Khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở để bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về nhà ở.
III. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
- NĐTNN phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông, gồm:
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư 2020 nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh. Với trường hợp này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về điều kiện bảo đảm an ninh quốc phòng và điều kiện sử dụng đất…
- NĐTNN không thuộc các trường hợp nêu trên thì thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế. Trường hợp có nhu cầu đăng ký việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế, nhà đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật.
- Đối với trường hợp các công ty đại chúng (trừ một số trường hợp ngoại lệ), nhà đầu tư cần lưu ý việc mua cổ phần của nhà đầu tư có thể sẽ phải tiến hành theo thủ tục chào mua công khai và đăng ký với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước nếu thuộc các trường hợp theo Điều 35 Luật Chứng khoán 2019.
- Ngoài các vấn đề nêu trên, NĐTNN cũng cần lưu ý đến một số vấn đề khác khi tiến hành việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong một doanh nghiệp mục tiêu: Yêu cầu NĐTNN khi góp vốn phải thực hiện thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 06/2019/TT-NHNN, vấn đề về thuế thu nhập doanh nghiệp của bên bán trong giao dịch, các thủ tục cần lưu ý khi thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp…
=========
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Trụ sở chính: Tầng 6 Tòa nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, TP. Đà Nẵng
Điện thoại: 02363 822 678
Chi nhánh 1: 01 Đông Giang, Sơn Trà, Đà Nẵng - 0905 205 624
Chi nhánh 2: 21 Trương Văn Đa, Liên Chiểu, Đà Nẵng - 0901 955 099
Chi nhánh 3: 03 Chu Cẩm Phong, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng - 0905 579 269
Email: Phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com