Tội sử dụng trái phép tài sản là hành vi của người phạm tội khai thác, sử dụng giá trị và công dụng do tài sản đem lại mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, của người quản lý tài sản. Sử dụng tài sản được hiểu là hành vi khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của người khác một cách trái phép. Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại; lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản (Điều 109 BLDS 2015). Hành vi sử dụng trái phép tài sản không làm cho chủ sở hữu mất đi tài sản đó, mà người phạm tội chỉ sử dụng tài sản một cách không được cho phép, đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản trong một thời gian nhất định, sau đó lại trả về cho chủ sở hữu hoặc người quản lý; hoặc người phạm tội tự ý khai thác, sử dụng giá trị tài sản thuộc quyền quản lý của mình không đúng quy định, không được sự cho phép của chủ sở hữu tài sản. Chủ sở hữu trong những trường hợp này không mất đi tài sản, mà chỉ tạm thời mất khả năng chiếm hữu, sử dụng tài sản của mình, khác với các tội phạm có tính chiếm đoạt.
Hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những quy định, quy trình của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quản lý, trông coi, bảo vệ tài sản. Người phạm tội vi phạm những quy định, quy trình trên dẫn đến mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là tội phạm có cấu thành vật chất, tội phạm được xem là hoàn thành khi có thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên xảy ra từ hành vi phạm tội của người phạm tội. Trong trường hợp có hành vi thiếu trách nhiệm trong việc quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhưng không dẫn đến thiệt hại hoặc thiệt hại xảy ra dưới 100.000.000 đồng thì người vi phạm những quy định, quy trình về quản lý, trông coi, bảo vệ tài sản không phạm tội mà có thể bị xử lý kỷ luật lao động hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản là hành vi làm mất giá trị sử dụng của tài sản của người khác, hoặc làm giảm đáng kể giá trị của tài sản đó. Hành vi hủy hoại là làm mất giá trị sử dụng đối với tài sản của người khác ở mức độ không còn hoặc khó có khả năng khôi phục, ví dụ như các hành vi đập nát hoàn toàn, nghiền nát, làm hỏng bằng hóa chất, đốt cháy… Hành vi làm hư hỏng tài sản của người khác là làm giảm giá trị sử dụng của tài sản ở mức độ còn khôi phục được. Ví dụ: Đập vỡ cửa kính xe hơi, rạch lốp xe, làm nứt vật dễ vỡ… Để phân biệt giữa hai hành vi này, cần căn cứ vào ý chí chủ quan của người phạm tội, thiệt hại thực tế của tài sản bị xâm hại, đối tượng tác động của tội phạm có phải vật đồng bộ không… Ví dụ, anh A dùng xăng đốt xe máy của anh B, sự việc bị phát hiện và đám cháy được dập tắt kịp thời, xe của anh B chỉ bị hỏng nhẹ một số bộ phận ngoài, không quan trọng, thiệt hại chưa nghiêm trọng là do hành vi được ngăn chặn kịp thời. Trong trường hợp này, chiếc xe máy tuy chưa bị mất giá trị sử dụng hoàn toàn nhưng vẫn xác định hành vi của anh A là hủy hoại tài sản.