Ngày 9-6, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức Hội nghị Rút kinh nghiệm xét xử khu vực miền Trung – Tây nguyên.
Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của đơn vị, tăng cường công tác phối hợp giữa TAND Cấp cao tại Đà Nẵng với TAND hai cấp của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án thường trực TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn đáng ghi nhận. Qua đó, hội nghị đã rút ra nhiều bài học trong thực tế để có những kinh nghiệm trong công tác xét xử, tránh oan sai.
Phát biểu kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Văn Bường (Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng) cho biết chất lượng xét xử cấp sơ thẩm ngày càng được nâng cao nhưng cần phải nâng cao hơn nữa. Việc tuyên một bản án sẽ ảnh hưởng rất nhiều người, nếu tuyên sai sẽ gây khiếu kiện kéo dài.
Ông Nguyễn Văn Bường, Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu tại hội nghị.
Số liệu thống kê và tổng hợp kết quả xét xử phúc thẩm kỳ này (từ ngày 01-5-2022 đến ngày 15-5-2023) cho thấy chất lượng xét xử của cấp sơ thẩm nâng lên rõ rệt.
Điều này thể hiện rõ nhất qua số liệu các vụ án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm huỷ, sửa bản án, quyết định của toà án sơ thẩm.
Tổng số bản án, quyết định sơ thẩm bị huỷ, sửa trong kỳ này thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (kỳ trước số án bị huỷ 47 vụ, kỳ này số lượng giảm xuống còn 40 vụ).
Đặc biệt, trong số 40 vụ bị huỷ thì có 11 vụ do HĐXX cấp sơ thẩm kiến nghị cấp phúc thẩm xem xét huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại.
Tại hội nghị, các chánh án tòa án các tỉnh, thành cũng dành nhiều thời gian để thảo luận về việc áp dụng Án lệ số 47 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao trong xét xử án giết người. Thời gian qua, án giết người gia tăng vì nhiều cơ quan áp dụng không đúng án lệ này.
Ông Phạm Tấn Hoàng, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho biết từ khi Án lệ số 47 ban hành, áp dụng vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử gặp nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu xuất phát từ nhận thức pháp luật không thống nhất hoặc nhận thức không đúng về nội dung và tinh thần của án lệ này. Từ đó, áp dụng máy móc vào việc truy cứu tránh nhiệm hình sự về tội giết người, dẫn đến tội phạm giết người gia tăng đột biến.
Nguồn: Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh