1. Trường hợp không có di chúc.
Theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015 quy định “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Và theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự, “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”. Qua đó, có thể hiểu trên phương diện pháp luật thì mọi cá nhân đều có quyền lập di chúc để để lại tài sản của mình cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào theo nguyện vọng của họ. Trái lại, người để lại di sản vì lý do nào đó mà không lập di chúc để định đoạt tài sản của họ sau khi chết thì thuộc trường hợp “không có di chúc”.
2. Trường hợp di chúc không hợp pháp.
Di chúc được xem là không hợp pháp nếu bản di chúc đó không đáp ứng đầy đủ các điều kiện của một bản di chúc hợp pháp theo quy định của Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015. Cụ thể, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện:
Theo đó, Điều 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của di chúc như sau “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình”. Đối với di chúc bằng văn bản hoặc bằng miệng thì người lập di chúc cần lưu ý:
+ Trường hợp người lập di chúc tự viết thì phải trực tiếp ký vào bản di chúc. Nội dung di chúc phải gồm các mục chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản. Ngoài ra, di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.
+ Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Bên cạnh đó, người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.
+ Người lập di chúc bằng văn bản có thể yêu cầu công chứng, chứng thực di chúc hoặc nhờ ít nhất 2 người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc để đảm bảo tốt hơn tính hợp pháp của bản di chúc.
Di chúc bằng miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Như vậy, khi không đáp ứng đủ các điều kiện theo những quy định nêu trên thì di chúc được coi là không hợp lệ. Trường hợp di chúc không hợp lệ, di sản thừa kế hiển nhiên sẽ không được phân chia theo nội dung di chúc mà người chết để lại.
3. Phân chia di sản như thế nào trong trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp lệ?
Căn cứ Điểm a, b Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì trường hợp không có di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản để lại sẽ được thừa kế theo pháp luật. Việc chia di sản theo pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
+ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015, khi phân chia di sản theo pháp luật thì cần lưu ý những vấn đề sau:
+ Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
+ Những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật; nếu không thể chia đều bằng hiện vật thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá hiện vật và thỏa thuận về người nhận hiện vật; nếu không thỏa thuận được thì hiện vật được bán để chia.
Như vậy, di sản thừa kế sẽ được phân chia theo pháp luật trong trường hợp người để lại di sản không có di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp lệ theo những quy định trên. Do đó, để tránh những tranh chấp phát sinh trong việc chia di sản thừa kế, người dân cần nắm rõ hơn về vấn đề này để đảm bảo quyền lợi của mình cũng như đảm bảo quyền và lợi ích của các thành viên khác trong gia đình.
===================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425
CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624
CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099
CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269
Tel: 0236.3822678
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/