1. Cất giấu, tẩu tán tài sản
Hành vi này có thể được hiểu là việc che giấu hoặc xác lập các giao dịch giả tạo, các giao dịch thường được lập nhằm mục đích tẩu tán tài sản là giao dịch về mua bán, tặng cho, chuyển nhượng. Mục đích của hành vi là nhằm chiếm đoạt tài sản do mình quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế để chứng minh một hành vi có phải là hành vi tẩu tán tài sản hay không là rất khó. Bởi vì cần xác định được các giao dịch là của doanh nghiệp là giả tạo. Các bên tham gia xác lập giao dịch giả tạo sẽ không dễ dàng để cho người khác có được chứng cứ để xác định giao dịch trên thực tế của họ là không hợp pháp. Hơn nữa, việc chuyển giao này thông qua hình thức hợp đồng dân sự mà hợp đồng dân sự dựa trên nguyên tắc theo sự thỏa thuận của các bên, bởi vì là sự thỏa thuận giữa các bên trong việc tham gia giao dịch thì những người không tham gia vào giao dịch dân sự này rất khó có thể thu thập được tài liệu, chứng cứ để chứng minh được sự giao dịch này trên thực tế có giả tạo hay không.
2. Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ
Quyền đòi nợ là một loại quyền tài sản phát sinh giữa hai chủ thể của giao dịch dân sự gồm bên có quyền và bên có nghĩa vụ trả nợ. Theo đó, bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ trả nợ hoặc có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền buộc bên có nghĩa vụ trả nợ phải thanh toán nợ cho mình. Dưới góc độ quy định của luật, quyền đòi nợ được hiểu là một loại quyền tài sản được quy định tại Khoản 2 Điều 450 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền tài sản lại là một trong bốn loại tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, căn cứ theo Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền đòi nợ đã đủ căn cứ để được xem là một loại tài sản, theo đó, đối tượng của quyền đòi nợ là một khoản tiền thanh toán nhất định và từ đó sẽ tồn tại hai chủ thể là bên có quyền đòi nợ và bên có nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp doanh nghiệp đã tất toán hết các nghĩa vụ và đang có một số đối tác còn nợ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp xóa hoặc giảm nợ để chấm dứt hợp đồng với đối tác nhằm hoàn tất việc giải thể thì sẽ vi phạm pháp luật. Hành vi này khiến tài sản doanh nghiệp bị suy giảm, đồng thời làm mất đi sự công bằng giữa các chủ nợ.
3. Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp
Khoản nợ không có bảo đảm có thể được hiểu là khoản nợ không được đảm bảo bằng tài sản hiện vật của doanh nghiệp hoặc của người thứ ba. Khoản nợ có bảo đảm là khoản nợ được bảo đảm thanh toán bằng tài sản của doanh nghiệp, người thứ ba. Nếu khoản nợ được dùng để mua tài sản hiện vật hay tài chính, thì với khoản nợ có đảm bảo, người ta có thể bán nó để trả nợ. Ngược lại, các khoản nợ không có bảo đảm chỉ được sử dụng để làm tăng thu nhập thường xuyên và do vậy không tạo ra tài sản nào để đảm bảo cho nó.
Khoản nợ có bảo đảm đã được bảo đảm bằng tài sản, nên khi doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì chủ nợ có thể tịch thu tài sản đó. Việc chuyển những khoản nợ không có đảm bảo thành những khoản nợ có đảm bảo sẽ dẫn đến thứ tự ưu tiên trả nợ bị đảo lộn. Những chủ nợ mà trước đây không có bảo đảm sẽ có thứ tự ưu tiên trả nợ sau những chủ nợ đã có bảo đảm nay sẽ ngang hàng với những chủ nợ có bảo đảm, và như vậy sẽ dẫn đến sự mất công bằng đối với những chủ nợ không có bảo đảm khi mà giá trị của khối tài sản phá sản để trả nợ cho những chủ nợ không có bảo đảm sẽ bị giảm sút.
4. Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp
Khi tiến hành giải thể doanh nghiệp tức là chủ doanh nghiệp đã quyết định chấm dứt những hoạt động kinh doanh, những hoạt động ký kết hợp đồng mới là không được phép. Đồng thời việc ký kết hợp đồng mới là phát sinh thêm giao dịch, chi phí cho công ty. Quy định nhằm đề phòng việc doanh nghiệp tẩu tán tài sản bằng phương thức này, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp.
5. Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản
Cầm cố tài sản là việc một bên giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia. Tặng cho tài sản là việc một bên giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận. Cho thuê tài sản là việc bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuế phải trả tiền thuê. Khi giải thể, tài sản của doanh nghiệp phải được dùng để đảm bảo thanh toán các khoản nợ, vì thể doanh nghiệp không được thực hiện các hành vi trên.
6. Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực
Doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực trước khi giải thể.
7. Huy động vốn dưới mọi hình thức
Doanh nghiệp huy động vốn tức là sẽ có thêm thành viên, cổ đông ra nhập công ty. Khi đang tiến hành giải thể mà doanh nghiệp huy động vốn sẽ có thể gây thiệt hại cho các thành viên, cổ đông mới.
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm các trường hợp trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Nguồn: Luật Hoàng Anh