Thừa kế là việc cá nhân, tổ chức được nhận di sản của người chết theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trong thực tế, quá trình nhận di sản có thể suôn sẻ, thuận lợi nếu những người thừa kế đồng thuận; nhưng trong nhiều trường hợp, người có quyền nhận di sản buộc phải tiến hành khởi kiện yêu cầu chia di sản do có tranh chấp xảy ra giữa những người thừa kế. Phong & Partners giới thiệu bài viết sau đây nhằm cung cấp kiến thức pháp luật về trình tự, thủ tục khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế.
1. Những người có quyền được nhận di sản thừa kế
- Là người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thừa kế như sau: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại;
- Là người được thừa kế theo di chúc của người lập di chúc;
- Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, nghĩa là họ đương nhiên được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 ba suất đó, bao gồm: con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng của người lập di chúc; con thành niên mà không có khả năng lao động. Quy định này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự;
- Ngoài ra, những người nhận di sản thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ do người lập di chúc để lại.
2. Hồ sơ khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế
Trước khi khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, người khởi kiện cần phải chuẩn bị đầy đủ các loại hồ sơ sau:
- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản thừa kế và người nhận di sản: Chứng minh nhân dân, Hộ khẩu, Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận nuôi con nuôi;
- Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
- Bản kê khai di sản thừa kế;
- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc di sản thừa kế như: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sổ tiết kiệm, đăng ký xe, cổ phiếu, cổ phần hoặc các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản khác (nếu có);
- Di chúc hợp pháp (nếu có);
- Văn bản từ chối nhận di sản thừa kế (phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản, và không thuộc trường hợp từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác).
3. Thủ tục khởi kiện tranh chấp di sản thừa kế
3.1. Nộp hồ sơ khởi kiện
Người khởi kiện nộp hồ sơ khởi kiện tại:
- Tòa án cấp huyện nơi bị đơn (là cá nhân) cư trú, làm việc hoặc nơi bị đơn (là tổ chức, cơ quan) có trụ sở;
- Tòa án cấp huyện nơi nguyên đơn (là cá nhân) cư trú, làm việc hoặc nơi nguyên đơn (là tổ chức, cơ quan) có trụ sở do các đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu;
- Tòa án cấp tỉnh (nếu có yếu tố nước ngoài);
- Tòa án nơi có di sản là bất động sản.
3.2. Nộp tạm ứng án phí
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn có yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập, phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí, trừ trường hợp có lý do chính đáng;
Nguyên đơn nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm tại cơ quan thi hành án có thẩm quyền và nộp lại biên lai đóng tiền tạm ứng án phí cho Tòa án để Tòa án thụ lý vụ án.
3.3. Thụ lý đơn và tiến hành hòa giải
Tòa án tiến hành triệu tập lấy lời khai, hòa giải và tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật Tố tụng dân sự.
Thời gian chuẩn bị xét xử đối với vụ án tranh chấp thừa kế là 04 tháng, trong thời gian này, Tòa án sẽ triệu tập các bên liên quan để tiến hành hòa giải, nếu hòa giải không thành thì sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Trong trường hợp bất khả kháng, vụ án có tính chất phức tạp hoặc trở ngại khách quan thì Chánh án sẽ gia hạn nhưng không quá 02 tháng.
3.4. Mở phiên xét xử
Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.
===========================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LÊ NGÔ HOÀI PHONG
PHONG & PARTNERS LAW FIRM
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng
Tel: 0236.3822678 – 0905102425
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/