“Hội đồng xét xử thấy rằng chứng cứ có trong hồ sơ vụ án là giấy nhận nợ do ông Q viết nắn nót, ngay ngắn trên khổ giấy học trò, không có biểu hiện của người say viết.”. Nội dung nhận định này vô hình trung đã tạo nên một số cách hiểu/quan điểm thiếu chính xác về quy định của pháp luật. Để góp thêm tiếng nói giúp làm tường minh quy định của pháp luật, Phong & Partners có quan điểm như sau.
Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, một trong những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực là “chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện”, nghĩa là không bị phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người khác, không bị người khác ép buộc, cưỡng chế thực hiện giao dịch. Điều 128 Bộ luật Dân sự quy định “Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự (từ Điều 122 đến 130) đã quy định rất rõ các trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu; điều này sẽ không có gì đáng bàn thêm nếu trên thực tiễn việc hiểu luật và áp dụng luật không đi trái tinh thần của điều luật. Trở lại trường hợp trích dẫn ở phần đầu, có thể hiểu nội dung nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) như sau: do ông Q viết giấy nhận nợ nắn nót ngay ngắn trên khổ giấy học trò, không có biểu hiện của người say viết, cho nên HĐXX không chấp nhận lý do ông Q nại ra là ông viết giấy nhận nợ trong lúc bị say rượu, nghĩa là đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Như vậy, theo cách diễn đạt của HĐXX, chỉ cần có cơ sở chứng minh rằng mình say rượu tại thời điểm viết giấy nhận nợ, thì ông Q sẽ được HĐXX chấp nhận tuyên giấy nhận nợ vô hiệu. Chúng tôi cho rằng cách hiểu đó không đúng với tinh thần của nhà làm luật.
Vấn đề cần đặt ra ở đây là “say rượu” có được xem là trạng thái không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hay không? Nếu một người say rượu do chủ động uống thì được cho là đã tự đặt mình vào tình trạng say; và khi đó họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Trong trường hợp này, việc say rượu chủ động không được phép áp dụng quy định về quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự là vô hiệu do xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Nếu loại trừ trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này, người ta sẽ không có trách nhiệm với chính bản thân mình, sẽ uống rượu, bia hoặc dùng chất kích thích không giới hạn, thậm chí có thể lợi dụng rượu, bia và chất kích thích để thực hiện những hành vi trái pháp luật vì họ sẽ không phải chịu hậu quả bất lợi khi gây ra thiệt hại cho người khác, cho xã hội. Điều này sẽ làm rối loạn trật tự xã hội, gây nên tình trạng mất công bằng và phát sinh nhiều vấn đề khác. Còn trường hợp say rượu do bị cưỡng ép và không thể kháng cự việc bị cưỡng ép uống rượu cho đến say, dẫn đến mất năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình, là hoàn toàn do yếu tố tác động khách quan, không phải ý chí chủ quan của bản thân họ và việc này là không thể phòng tránh được. Cần phân biệt rạch ròi hai trường hợp này để có cái nhìn đúng đắn khi áp dụng quy định pháp luật.
Như đã phân tích, rõ ràng pháp luật không xem trạng thái say rượu là tình tiết để giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý, mà ngược lại, trong một số trường hợp cụ thể, đó là tình tiết tăng nặng:
Hiện nay, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Chính vì thế, chưa có sự thống nhất trong việc thực thi pháp luật, điều đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường. Để giải quyết triệt để những vướng mắc khi áp dụng pháp luật, rất mong các nhà làm luật có ý kiến hướng dẫn chi tiết để tránh hiểu sai bản chất điều luật và áp dụng sai quy định pháp luật.
===========================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LÊ NGÔ HOÀI PHONG
PHONG & PARTNERS LAW FIRM
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng
Tel: 0236.3822678 – 0905102425
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/