Hiện nay, nhu cầu và giá trị sử dụng đất ở ngày càng tăng cao nên nhiều hộ gia đình, cá nhân mong muốn chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở. Khoản 1 Điều 134 Luật Đất đai 2013 quy định về việc hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và khoản 1 Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định về căn cứ để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt” là cơ sở quan trọng cho việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở. Dưới đây, Văn phòng Luật sư Phong & Partners giới thiệu điều kiện và trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở.
1. Điều kiện để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở
Chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa (thuộc nhóm đất nông nghiệp) sang đất ở (thuộc nhóm đất phi nông nghiệp) thì phải xin phép và được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:
- Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với hộ gia đình, cá nhân;
- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất với tổ chức.
Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ruộng sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân theo 02 căn cứ tại Điều 52 Luật đất đai như sau:
- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở
Bước 1: Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gồm:
- Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BTNMT;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Bước 2: Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
- Kiểm tra hồ sơ, đo đạc và xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
- Hướng dẫn và chuyển giấy nghĩa vụ tài chính đầy đủ theo quy định của pháp luật đến người sử dụng đất để đi thực hiện việc đóng phí chuyển mục đích sử dụng đất;
- Khi thực hiện những vấn đề trên, Phòng Tài nguyên và Môi trường chuyển hồ sơ trình lên Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, cơ quan này có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; yêu cầu cho phép chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, cập nhập thông tin mới vào hồ sơ địa chính.
Bước 3: Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân sau khi cá nhân thực hiện nghĩa vụ tài chính. Thời gian thực hiện
- Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất).
- Không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Tóm lại, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở được hay không còn phụ thuộc vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện. Do đó, người dân có thể đến UBND cấp huyện nơi mình sinh sống để được cung cấp thông tin về tình trạng thửa đất, quy hoạch đất của cấp huyện để xác định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất được cụ thể hơn.
Trong trường hợp cần tư vấn cụ thể và chi tiết hơn về việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang đất ở, vui lòng liên hệ với Văn phòng Luật sư Phong & Partners để được hướng dẫn.
===================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425
CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624
CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099
CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/