CON ĐƯỜNG ĐỂ SINH VIÊN LUẬT TRỞ THÀNH LUẬT SƯ CHUYÊN NGHIỆP
Được đăng vào 16:45 Ngày 05/01/2023
Một luật sư tác phong chỉnh tề với bộ suit thẳng thớm cùng cặp táp trên tay, phong thái đĩnh đạc, tư duy sắc bén, đối đáp và giải quyết rất “ngầu” những tình huống tưởng chừng như không thể xoay chuyển là hình ảnh điển hình của một “LUẬT SƯ CHUYÊN NGHIỆP” thường được các nhà làm phim khắc họa trên các bộ phim truyền hình. Chắc hẳn không ít bạn sinh viên khi lựa chọn đến với con đường “nghề luật” đều đã không dưới một lần bày tỏ sự ái mộ những vị Luật sư ấy và cũng mong muốn bản thân sẽ trở nên thật “ngầu” như vậy. Là một trong những nghề cao quý được xã hội tôn trọng, Luật sư được xem là một đại diện cho việc tuân thủ và thực thi pháp luật, do đó, hoạt động của Luật sư không chỉ dừng ở phạm vi Tòa án mà Luật sư có thể hiện diện ở bất cứ lĩnh vực nào cần đến pháp lý. Để có thể “chạm” đến được hình ảnh cao quý đó, những người chọn nghề luật, đặc biệt là các bạn sinh viên, cần trang bị những gì? Vậy đâu là hình ảnh của một luật sư chuyên nghiệp thực thụ? Con đường nào để sinh viên luật trở thành Luật sư CHUYÊN NGHIỆP? Bằng sự nghiêm túc và tâm huyết với nghề, Phong & Partners đã đúc kết và chia sẻ những kinh nghiệm sau đây.

I. Luật sư chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của Phong & Partners

Luật sư được xem là hiện thân của người bảo vệ công lý. Sự cao quý của một Luật sư, đặc biệt là Luật sư chuyên nghiệp, nằm ở những nỗ lực quên mình vì sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội.

Thẩm phán Iyer – Thẩm phán tài ba, nhà chính trị gia, Luật sư người Ấn Độ từng nói rằng: “Luật sư được xem là nghề rực rỡ và hấp dẫn nhất trong các nghề, với trách nhiệm không những của chính công việc mình đang làm mà còn với chính nghề nghiệp, danh xưng của mình, mà không một người làm nghề nào khác có thể gánh vác được”.

Luật sư là một nghề mà xã hội yêu cầu rất cao ở chữ “tâm” và chữ “tài”. Một Luật sư chuyên nghiệp, song song với sự vững vàng về chuyên môn là đạo đức nghề, luôn đặt “chữ tâm” vào mỗi công việc từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất. Đi tìm một khái niệm toàn diện về “tâm” là điều không dễ dàng; tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của bài viết, chỉ trình bày ý nghĩa “chữ tâm” theo cách hiểu thông thường, dễ hiểu, đó chính là lương tâm, tính thiện, suy nghĩ tích cực, hành động hợp đạo lý và lẽ phải. Luật sư phải đặt “chữ tâm” để có thể thấu hiểu cho sự mất mát, cho nỗi đau, cho sự lo lắng của khách hàng, xem việc của khách hàng như là việc của chính mình. Khi đó, Luật sư mới toàn tâm, toàn ý và toàn sức để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình được. Đây chính là điều khiến những người đã, đang và sẽ theo đuổi nghề luật phải nỗ lực rất nhiều mới có thể trở thành một Luật sư chuyên nghiệp đúng nghĩa.

 

Phong & Partners hướng đến hình ảnh Luật sư chuyên nghiệp “đủ tài - thừa tâm” theo các tiêu chuẩn sau:

Một là, tiêu chuẩn về phẩm hạnh: phải

  • Luôn đặt “chữ tâm” lên hàng đầu;

  • Luôn trung thực và khách quan;

  • Luôn kiên trì và nhẫn nại;

  • Luôn mẫn cán với công việc;

  • Luôn hành động vì lợi ích chính đáng của khách hàng.

Hai là, tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp:

  • Kỹ năng tư duy logic và tư duy pháp lý;

  • Kỹ năng trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói;

  • Kỹ năng nghiên cứu và phân tích quy định của pháp luật;

  • Kỹ năng tranh luận và phản biện;

  • Kỹ năng đàm phán và thuyết phục;

  • Kỹ năng kiểm soát cảm xúc.

Không chắc rằng sự chuyên nghiệp sẽ đưa một Luật sư trở thành người xuất chúng, nhưng Phong & Partners tin chắc rằng nó sẽ giúp mỗi Luật sư và những ai đang theo đuổi nghề luật không bao giờ bị tụt lại phía sau và rằng, đến một thời điểm nào đó sự chuyên nghiệp của chúng ta sẽ được đền đáp một cách xứng đáng.

 

II. Tiêu chuẩn về phẩm hạnh

Trở thành một Luật sư chuyên nghiệp đồng nghĩa với việc trở thành một người với nhiều vai trò. Không chỉ là người tư vấn pháp luật, người bào chữa, người bảo vệ công lý mà còn là người đem lại sự công bằng và niềm tin vào pháp luật cho khách hàng. Do đó, phẩm hạnh của một Luật sư là yếu tố quan trọng để đánh giá tính chuyên nghiệp của Luật sư đó.

1. Luôn đặt chữ “tâm” lên hàng đầu

Tiếng Việt ta có một cụm từ rất hay, đó là “để tâm”. Từ này mang hàm ý người nào khi làm việc gì thì hãy chú ý, tập trung tinh thần, sức lực của mình vào công việc đó, cốt là để đạt được kết quả tốt nhất. Hiểu theo lẽ thông thường, tâm chính là lương tâm, tính thiện, suy nghĩ tích cực, hành động hợp đạo lý và lẽ phải. Điều này đặc biệt yêu cầu cao ở những người hành nghề Luật sư hay Bác sĩ. Luật sư có tâm, đặt cái tâm của mình vào việc của khách hàng thì mới có thể nhìn thấu câu chuyện của khách hàng, có sự tập trung để tìm ra được những điểm sáng, gỡ bỏ được nút thắt mà khách hàng của mình bấy lâu nay phải nhức óc giải quyết. Mang trên mình sứ mệnh, trách nhiệm, niềm tin mà xã hội và khách hàng ủy thác, nếu Luật sư không có “tâm”, chỉ chăm chăm vào lợi ích vật chất mà mình nhận được hoặc thờ ơ với việc của thân chủ, thì chính người đó đã tự tô bẩn hình ảnh nghề Luật sư cao quý, đẩy khách hàng vào con đường cùng kiệt và khiến họ mất niềm tin vào công lý và pháp luật. Đây hoàn toàn là điều mà Luật sư chuyên nghiệp phải tránh.

2. Luôn trung thực và khách quan

Trung thực, khách quan là một trong những đức tính tiên quyết hàng đầu mà một Luật sư chuyên nghiệp phải có khi hành nghề. Đây cũng là một trong những quy tắc đầu tiên được quy định tại Quy tắc 2 của của Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử Nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Theo đó, Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Là người đại diện cho công lý, một Luật sư chuyên nghiệp cần trung thực, khách quan – luôn tôn trọng sự thật, chân lý, lẽ phải; không dối trá từ lời nói đến hành vi.

3. Luôn kiên trì và nhẫn nại

Thành tựu của nhiều người có được là do nền tảng gia đình và sự thông minh trời phú, nhưng thực tế cũng cho thấy sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ sẽ hun đúc nên năng lực và bản lĩnh, từ đó đem lại thành công vững bền cho một Luật sư chuyên nghiệp. Việc học và tích lũy kiến thức để trở thành một Luật sư cần rất nhiều sự kiên trì và nhẫn nại. Sự kiên trì, bền bỉ của một Luật sư chuyên nghiệp được thể hiện không chỉ trong quá trình giải quyết vụ án mà cả giai đoạn trước, trong và sau khi giải quyết vụ án. Kiên trì theo đuổi vụ việc; kiên trì tìm kiếm sự thật và bảo vệ lẽ phải, công bằng; kiên trì tìm ra điểm sáng trong rất nhiều hồ sơ và thông tin phức tạp; kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng. Có được những phẩm chất này, tin chắc rằng một Luật sư chuyên nghiệp sẽ tìm ra nút thắt của vụ việc để hoàn thành sứ mệnh của mình.

4. Luôn mẫn cán với công việc

Một Luật sư chuyên nghiệp cần phải có sự mẫn cán, chính là sự năng nổ, tháo vát, siêng năng và nhiệt huyết trong công việc. Sự mẫn cán không chỉ thể hiện sự tôn trọng, trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình, mà còn giúp cho Luật sư “thăng hoa” trong công việc hàng ngày khi tìm ra được lời giải trong chuỗi suy tư về việc của khách hàng. Khi đó, Luật sư mẫn cán có thể tạo dựng nên hình ảnh của một Luật sư chuyên nghiệp, đem lại niềm tin, sự an tâm và cảm mến cho khách hàng.

5. Luôn hành động vì lợi ích chính đáng của khách hàng

Lợi ích chính đáng của khách hàng là gì? Là quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng đang bị xâm phạm mà lợi ích đó không trái đạo đức xã hội, không trái pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Một Luật sư chuyên nghiệp phải luôn ý thức đặt lợi ích chính đáng của khách hàng lên trên lợi ích của mình. Với triết lý “Thắng cùng thắng với khách hàng”, tức lợi ích của khách hàng cũng chính là lợi ích của mình. Luật sư chuyên nghiệp phải chính trực, biết từ chối nhận vụ việc nếu nhận thấy không đem lại được lợi ích cho khách hàng. Có như vậy mới xứng đáng với niềm tin và sự tin tưởng của xã hội dành cho nghề Luật sư. Không những thế, đây còn yếu tố để xây dựng nên hình ảnh của một Luật sư chuyên nghiệp “đủ tài – thừa tâm”.

 

III. Tiêu chuẩn về kỹ năng nghề nghiệp

Bên cạnh những yếu tố về phẩm hạnh thì một Luật sư chuyên nghiệp phải có các kỹ năng chuyên môn cần thiết. Kỹ năng là những thứ chúng ta có thể rèn luyện và phát triển theo thời gian để phục vụ sự nghiệp lý tưởng của mình. Có câu nói rằng “Thực hành làm cho hoàn hảo”, vậy những kỹ năng cần trau dồi để trở thành một Luật sư chuyên nghiệp là gì?

1. Kỹ năng tư duy logic và tư duy pháp lý

Một yếu tố quan trọng đặc thù của người học luật là kỹ năng tư duy, bao gồm tư duy logic và tư duy pháp lý. Hiểu một cách đơn giản, Tư duy logic là cách thức suy nghĩ theo trình tự, phân tích và lý luận để đưa ra quyết định hợp lý từ những dữ liệu ban đầu; Tư duy pháp lý (của Luật sư) là quá trình suy nghĩ để tìm ra giải pháp cho vụ việc trên cơ sở các quy định pháp luật. Tư duy logic và tư duy pháp lý tốt sẽ giúp Luật sư có cái nhìn toàn diện và nắm bắt được các vấn đề pháp lý trọng tâm của vụ việc. Từ đó, đưa ra các giải pháp tối ưu, nhanh chóng, hiệu quả để giải quyết các vướng mắc pháp lý cho khách hàng. Đây được xem là công cụ sắc bén, một yếu tố then chốt thể hiện tính chuyên nghiệp từ trong tư duy đến hành động của một Luật sư chuyên nghiệp.

2. Kỹ năng trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói

Vì sao kỹ năng trình bày vấn đề bằng ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói lại quan trọng với một Luật sư chuyên nghiệp? Chẳng phải chỉ cần giỏi tư duy trong cách giải quyết vấn đề là đủ để tìm ra giải pháp rồi sao? Là một Luật sư chuyên nghiệp, tư duy để giải quyết vấn đề mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải thể hiện trọn vẹn tư duy của mình thông qua văn bản hoặc lời nói, có như vậy quá trình tư duy mới được xem là thành công. Lời nói của Luật sư phải rõ ràng, chính xác, dễ hiểu, thuyết phục. Văn bản do Luật sư soạn thảo phải đảm bảo yêu cầu về nội dung lẫn hình thức, được trình bày mạch lạc, đầy đủ, có cơ sở pháp lý vững vàng, đi vào trọng tâm vấn đề và truyền tải trọn vẹn thông điệp cần thiết. Như vậy, một Luật sư chuyên nghiệp phải sở hữu khả năng trình bày (bao gồm kỹ năng nói và viết) một cách sắc sảo, chính xác và thuyết phục. Kỹ năng này hoàn toàn có thể rèn luyện được thông qua việc học hỏi từ sách vở, các Luật sư đàn anh, đồng nghiệp và quan trọng là sự thực hành thường xuyên.

3. Kỹ năng nghiên cứu và phân tích quy định pháp luật

Tương tự như vậy, kỹ năng nghiên cứu nhanh chóng và phân tích các quy định pháp luật cũng là một trong các kỹ năng cơ bản để một Luật sư có thể nắm bắt, đánh giá và giải quyết hiệu quả các vấn đề pháp lý của khách hàng. Một vấn đề pháp lý, ban đầu có thể được cảm nhận bằng niềm tin nội tâm, nhưng quan trọng hơn hết, nó phải được giải quyết rốt ráo bằng các quy định pháp luật. Do đó, Luật sư phải nghiên cứu nhiều, cập nhật, phân tích và hiểu sâu các quy định pháp luật liên quan, chắt lọc những thông tin, quy định cần thiết. Từ đó, tổng hợp thành một chiến lược pháp lý hữu ích để có thể đưa ra các giải pháp phù hợp cho khách hàng.

4. Kỹ năng tranh luận và phản biện

Trong quá trình giải quyết vụ việc, đôi khi “một bằng chứng có thể làm thay đổi cả chiều hướng suy nghĩ; một lý lẽ thuyết phục có thể khiến thay đổi quyết định”. Qua đó có thể thấy, kỹ năng tranh luận và phản biện đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với một Luật sư chuyên nghiệp. Tranh luận, phản biện hoàn toàn không phải là nói nhiều, nói dài và lấn át người khác. Luật sư sở hữu kỹ năng tranh luận và phản biện tốt cần phải biết cách lắng nghe để hiểu nhanh ý của người nói và tập trung khả năng tư duy để có nội dung phản hồi hiệu quả; biết cách trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, thuyết phục và đúng trọng tâm vấn đề. Để làm tốt điều đó, Luật sư cần phải có sự tự tin, bản lĩnh vững vàng. Điều này là kết quả của quá trình tự học, tự rèn luyện, tự diễn tập và quan trọng hơn hết là sự chuẩn bị thật chu đáo, kỹ càng và dự lường tình huống trước mỗi phiên làm việc.

5. Kỹ năng đàm phán và thuyết phục

Kỹ năng đàm phán và thuyết phục luôn quan trọng đối với tất cả mọi nghề nghiệp và nghề Luật sư cũng không ngoại lệ. Để các cuộc giao dịch, hợp tác, thương lượng thành công, việc thuyết phục người nghe chấp nhận ý kiến cũng như quan điểm của mình không phải là điều dễ dàng. Đối với một Luật sư chuyên nghiệp, kỹ năng này còn đòi hỏi cao hơn nữa. Là người đại diện cho khách hàng, Luật sư phải biết cách đàm phán, thuyết phục sao cho tiệm cận với ý định của khách hàng đồng thời đảm bảo sự hợp tình hợp lý giữa các bên. Để làm được hiệu quả điều đó, không còn cách nào khác ngoài việc mỗi chúng ta phải luyện tập thật nhiều để có và sử dụng hiệu quả các kỹ năng như vừa trình bày.

6. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc

Cảm xúc ai cũng có, nhưng cảm xúc thường thuộc về bản năng. Do đó, Luật sư chuyên nghiệp cần biết cách vượt lên cảm xúc khi giải quyết công việc, nhất là cảm xúc tiêu cực, bởi nếu để cảm xúc dẫn dắt, rất dễ đưa đến các quyết định sai lầm. Cần xác định rõ, kỹ năng kiểm soát cảm xúc không phải là loại bỏ những cảm xúc của bản thân mà chính là học cách kiểm soát để làm chủ hành vi, thái độ trong mọi tình huống. Hiểu một cách đơn giản, kiểm soát cảm xúc là đưa cảm xúc trở về trạng thái cân bằng thông qua nhiều phương diện như ngôn ngữ, hình thể… Nếu không kiểm soát tốt cảm xúc, Luật sư sẽ dễ thất bại trong các giao tiếp, đàm phán, tranh biện. Rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc thật sự không phải là một việc đơn giản. Tuy nhiên, nếu cố gắng rèn luyện mỗi ngày, kỹ năng kiểm soát cảm xúc sẽ trở thành một phần của bản thân và Luật sư chuyên nghiệp sẽ dễ dàng thành công không những trong công việc mà còn trong cuộc sống.

7. Ngoài ra, Luật sư chuyên nghiệp cần đáp ứng các điều kiện quan trọng khác như: hiểu biết về các lĩnh vực khác, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng làm việc nhóm và làm việc cá nhân; phương thức quản lý thời gian, xây dựng kế hoạch...

 

IV. Những áp lực của một Luật sư chuyên nghiệp

Luật sư là một nghề không những có nhiều thách thức, khó khăn mà còn có rất nhiều áp lực khắt khe. Đằng sau hình ảnh “đáng mơ ước” của một Luật sư chuyên nghiệp là những gánh nặng thực sự mà những người trong nghề mới có thể cảm nhận được. Phong & Partners xin một lần được “chạm” đến những góc khuất của nghề Luật sư – để cùng sẻ chia.

1. Áp lực về công việc

Luật sư là một nghề đặc thù, với những đòi hỏi vượt trên cả những kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề. Một Luật sư chuyên nghiệp luôn đối mặt với các vấn đề nan giải của khách hàng trong rất nhiều lĩnh vực đa dạng và phức tạp. Họ thường xuyên phải vận dụng trí óc, hao tốn nhiều tâm sức, chất xám và chịu áp lực lớn trong thời gian dài để giải quyết tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho khách hàng. Họ ăn uống, ngủ, nghĩ cùng công việc; đôi khi phải hi sinh các vấn đề cá nhân, gia đình để giải quyết cho được việc của khách hàng. Do đó, là một Luật sư chuyên nghiệp, cần phải có sức chịu đựng bền bỉ đối với những áp lực nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.

2. Áp lực về thu nhập

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý hiện nay chưa cao, phần lớn chỉ tìm đến Luật sư khi vấn đề đã đi đến chỗ bí bách. Nhiều người còn nặng tâm lý tự làm hoặc mong chờ được hỗ trợ pháp lý miễn phí. Xã hội vẫn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của dịch vụ pháp lý, chưa đánh giá đúng công sức Luật sư khi tham gia giải quyết một vụ việc. Không ít trường hợp, khách đến liên hệ và từ chối nhận cung cấp dịch vụ ngay sau khi được báo phí. Do đó, thực sự thu nhập từ nghề Luật sư nói chung chưa tương xứng với công sức và những gì mà Luật sư phải đánh đổi. Tuy nhiên, với niềm tin về sự phát triển của xã hội, sự nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp, sẽ đến lúc Luật sư chuyên nghiệp được đánh giá và tưởng thưởng xứng đáng.

3. Áp lực về thời gian

Luật sư làm việc rất nhiều giờ. Làm việc trong giờ hành chính không bao giờ là đủ, hầu hết các Luật sư đều phải làm việc ngoài giờ để nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu, hồ sơ, tương tác với khách hàng, trao đổi với các cơ quan tổ chức và xử lý các công việc khác liên quan. Theo Báo cáo Xu hướng Pháp lý 2018, thời gian làm việc toàn thời gian trung bình của một luật sư là 49,5 giờ/tuần và thêm 140 giờ làm việc ngoài kế hoạch. Những ngày dài và số giờ ngoài có kế hoạch đó cộng lại theo thời gian đã góp phần gây áp lực căng thẳng cho Luật sư.

4. Những áp lực khác

Ngoài những áp lực kể trên, Luật sư chuyên nghiệp còn đối diện với những áp lực khác về gánh nặng gia đình, tính bình đẳng trong quan hệ với các cơ quan tố tụng, hệ thống ngành luật vẫn còn nhiều hạn chế, sự sửa đổi bổ sung liên tục của pháp luật…

 

V. Con đường để sinh viên luật trở thành một Luật sư chuyên nghiệp

Mong muốn trở thành Luật sư chuyên nghiệp nhưng các bạn sinh viên vẫn chưa hình dung được con đường, vậy hãy bắt đầu bằng việc phân tích bản thân để biết mình có gì và thiếu gì. Phong & Partners sẽ gợi ý cho các bạn những điều kiện cần và đủ để có thể trở thành một Luật sư chuyên nghiệp trong tương lai.

1. Hoàn thành học vấn: Là điều kiện cần đầu tiên trong các điều kiện, muốn trở thành một Luật sư, bạn cần phải hoàn thành các chương trình học, đạt được các chứng chỉ theo quy định để có thể hành nghề một cách hợp pháp. Tại Việt Nam, để đủ điều kiện hành nghề Luật sư, người học luật phải trải qua thời gian học đại học tại các trường đào tạo luật, tốt nghiệp đại học với học vị cử nhân luật. Sau đó, đăng ký tham gia Chương trình đào tạo Luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức để lấy được chứng chỉ đào tạo nghề Luật sư. Cuối cùng, Luật sư tương lai sẽ cần phải đăng ký tập sự tại một tổ chức hành nghề Luật sư, hoàn thành kỳ kiểm tra và hoàn thành các thủ tục cần thiết để được cấp thẻ Luật sư.

2. Nâng cao kỹ năng, trau dồi kiến thức: Kỹ năng không rèn luyện sẽ mai một, kiến thức không trau dồi sẽ trở nên hạn hẹp. Do vậy, nếu muốn trở thành một Luật sư chuyên nghiệp, phải không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng và trau dồi và tích lũy kiến thức.

3. Rèn luyện tư duy: Một tiêu chí quan trọng của người học luật là khả năng tư duy. Tư duy đóng vai trò cốt lõi trong quá trình giải quyết vấn đề của Luật sư. Tư duy càng logic, chặt chẽ, hiểu càng sâu thì việc giải quyết vấn đề sẽ trở nên hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều này thì mỗi cá nhân đều phải rèn luyện không ngừng từ những việc nhỏ nhất trong đời sống để tạo thành thói quen, từ đó hình thành kỹ năng.

4. Tu dưỡng đạo đức: Tu dưỡng đạo đức, làm việc bằng “cái tâm” với nghề. Bởi lẽ, một người tài giỏi đến đâu mà thiếu đạo đức, thiếu cái tâm khi phục vụ khách hàng thì về lâu dài không thể phát triển được. Đạo đức là nhân cách con người, là điều kiện để trở thành một con người toàn diện, một Luật sư chuyên nghiệp.

5. Tích lũy vốn sống: Chẳng phải ngẫu nhiên mà nghề luật được coi là một trong những nghề cao quý của xã hội. Với những đặc thù riêng, nghề Luật sư đòi hỏi phải có kiến thức vừa sâu, vừa rộng và phong phú. Một Luật sư không chỉ biết dựa trên những quy định pháp luật mà còn phải biết nhiều về thực tiễn, về cuộc sống. Vốn sống của Luật sư sẽ làm tăng sự tin cậy và chuyên nghiệp khi tư vấn, trao đổi và làm việc với khách hàng.

6. Tích lũy kinh nghiệm: Kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực hành nghề sẽ giúp Luật sư giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng, hiệu quả. Không thể phủ nhận rằng, Luật sư càng giàu kinh nghiệm thì mức độ uy tín càng được nâng cao. Do đó, dù ở vị thế là một sinh viên hay một người đã hành nghề nhiều năm, mỗi chúng ta đều phải tự học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Đây là tiền đề để xây dựng hình ảnh của một Luật sư chuyên nghiệp trong tương lai.

 

Hi vọng rằng những chia sẻ của Phong & Partners về “Con đường để sinh viên luật trở thành Luật sư chuyên nghiệp” đã đem đến lời khuyên hữu ích cho các bạn sinh viên mong muốn trở thành Luật sư chuyên nghiệp. Nếu bạn thấy mình có đầy đủ tình yêu, đam mê, nhiệt huyết và các tố chất để trở thành một Luật sư chuyên nghiệp, hãy cân nhắc việc không ngừng cải thiện bản thân. Bởi lẽ “Rèn luyện là một phần trong quá trình đào tạo tính chuyên nghiệp của một Luật sư - Mohamed ElBaradei”.

 

======================

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TẠI ĐÀ NẴNG PHONG & PARTNERS

Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425

        Luật sư Phong & Partners tại Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624

        Luật sư Phong & Partners tại Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099

        Luật sư Phong & Partners tại Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269

Tel: 0236.3822678

Email: phongpartnerslaw@gmail.com 

Web: https://phong-partners.com/

Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:           

Logo
Phong & Partners cung cấp tất cả dịch vụ pháp lý với chất lượng cao nhất - là kết quả từ sự chuyên nghiệp, chuyên tâm và sự gắn kết, hỗ trợ hiệu quả của toàn hệ thống vì lợi ích cao nhất của khách hàng.
Copyright © 2020 P&P. All Rights Reserved.
Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn
0905102425

02363 822 678

phongpartnerslaw@gmail.com

https://www.whatsapp.com/

https://www.viber.com/