Trong quá trình thành lập pháp nhân để kinh doanh, bên cạnh Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp – là loại giấy phép bắt buộc cần phải có đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, thì với những doanh nghiệp khi kinh doanh các ngành nghề có điều kiện, pháp luật yêu cầu cần phải có thêm các “Giấy phép con”. Vậy “Giấy phép con” là loại giấy tờ gì? Có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp?
Để Quý độc giả hiểu rõ hơn về loại giấy tờ này, Phong & Partners sẽ cung cấp những nội dung về Giấy phép con và những quy định liên quan đến giấy phép con.
- Căn cứ pháp lý
- Khoản 1, Khoản 2, Khoản 6 Điều 7 Luật đầu tư 2020
Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
1. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
2. Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật này.
6. Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:
a) Giấy phép;
b) Giấy chứng nhận;
c) Chứng chỉ;
d) Văn bản xác nhận, chấp thuận;
đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
- Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020
Điều 8. Nghĩa vụ của doanh nghiệp
1. Đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và bảo đảm duy trì đủ điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh.
2. “Giấy phép con” là gì? Đặc điểm và Hình thức của “Giấy phép con”?
- Giấy phép con là gì?/
- Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp được quyền lựa chọn kinh doanh ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, trong hệ thống ngành nghề kinh doanh thì một số ngành nghề đòi hỏi doanh nghiệp cần phải đáp ứng thêm một số điều kiện nhất định. Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết (vốn pháp định; cơ sở sản xuất, kinh doanh; chứng chỉ hành nghề; nguồn gốc xuất xứ; an toàn trật tự…) nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
- Nhằm chứng nhận cho các doanh nghiệp/cá nhân đã đáp ứng đủ điều kiện đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận tương ứng – cộng đồng doanh nghiệp thường dùng một thuật ngữ dễ hiểu là “Giấy phép con”.
b. Đặc điểm của Giấy phép con
“Giấy phép con” có tính chất tương tự như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng có nhiều đặc điểm đặc thù, cụ thể:
- Là văn bản được cấp cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân khi kinh doanh các ngành nghề có điều kiện. Đối với doanh nghiệp, Giấy phép con được cấp sau Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; đối với cá nhân, giấy phép con được cấp sau khi cá nhân đó hoàn thành một cấp bậc học thuật (đại học, cao đẳng…).
- Buộc doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đối với mỗi ngành, nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật (Vốn pháp định, cơ sở vật chất, chứng chỉ hành nghề…).
- Thường có thời hạn sử dụng cụ thể.
c. Hình thức của Giấy phép con
- Theo Khoản 6 Điều 7 Luật Đầu tư 2020, “Giấy phép con” sẽ được cấp dưới các hình thức như sau:
- Giấy phép: Giấy phép lưu hành sản phẩm, Giấy phép kinh doanh vận tải…
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, …
- Điều kiện về chứng chỉ hành nghề: chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, chứng chỉ hành nghề kế toán…
- Điều kiện về chứng nhận bảo đảm trách nhiệm nghề nghiệp: bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc đối với luật sư, công chứng…
- Điều kiện về văn bản xác nhận: Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy…
- Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
3.Khi nào cần phải xin giấy phép con?/When to apply for Sub-License?
- Theo Khoản 1 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020, nghĩa vụ của doanh nghiệp là phải đáp ứng đủ điều kiện đầu tư kinh doanh khi kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện – là các ngành, nghề được liệt kê cụ thể tại Danh mục đính kèm Phụ lục IV của Luật đầu tư.
- Như vậy, cá nhân, tổ chức đăng ký kinh doanh các ngành, nghề kinh doanh tại Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin “Giấy phép con” tương ứng với ngành, nghề đó. Trường hợp giấy phép hết hạn sử dụng thì phải tiến hành gia hạn hoặc cấp mới “Giấy phép con”. Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh những ngành, nghề khác ngoài Phụ lục IV Luật Đầu tư 2020 thì không bắt buộc phải xin “Giấy phép con”, tuy nhiên, vẫn cần phải đáp ứng các điều kiện, nguyên tắc chung khi hoạt động kinh doanh.
4.Một số loại giấy phép con thông dụng
- Tùy theo mỗi ngành nghề kinh doanh mà pháp luật sẽ quy định một, một số loại giấy phép con riêng. Một số loại giấy phép con tương ứng với ngành nghề kinh doanh có điều kiện thông dụng hiện nay, như:
- Vai trò, ý nghĩa của giấy phép con đối với doanh nghiệp
- Giấy phép con xác nhận doanh nghiệp đã đáp ứng đủ điều kiệnhoạt động kinh doanh cũng như sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.
- Giấy phép con còn đóng vai trò quan trọng trong việc định giá giá trị doanh nghiệp trong các hoạt động liên quan đến mua bán sáp nhập, đầu tư vốn. Các giấy phép con đặc thù (doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh khắt khe, thủ tục thực hiện rườm rà, phức tạp) sẽ khiến cho giá trị của một doanh nghiệp được nâng cao hơn.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phong & Partners về “Giấy phép con và những quy định liên quan”. Nếu cần hiểu rõ và cụ thể hơn, bạn có thể gửi email, điện thoại hoặc đến văn phòng để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ luật sư của Phong & Partners.
===================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425
CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624
CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099
CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269
Tel: 0236.3822678
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com