Trả lời:
Cảm ơn anh đã gửi câu hỏi đến Văn phòng luật sư Phong & Partners. Theo nội dung câu hỏi của anh, Phong & Partners giải đáp về quyền thành lập, góp vốn và quản lý doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, cụ thể là Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 về “Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp:
1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật này, trừ trường hợp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
b) Các đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.".
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, anh Minh không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18.
Ngoài ra, để xác định rõ anh Minh có thuộc trường hợp loại trừ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 nêu trên hay không, cần căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 06/2010/NĐ-CP về Công chức trong cơ quan hành chính ở cấp tỉnh, cấp huyện:
“1. Ở cấp tỉnh:
(…)
b) Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân; người giữ chức vụ cấp trưởng, cấp phó và người làm việc trong các tổ chức không phải là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân;"
Anh Minh là nhân viên hợp đồng, không phải là công chức thuộc các trường hợp như quy định trên.
Tiếp theo, căn cứ Điều 2 Luật viên chức 2010 : “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, anh Minh cũng không phải là viên chức.
Từ các phân tích trên cho thấy trường hợp của anh Minh có quyền góp vốn thành lập doanh nghiệp.
===========================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LÊ NGÔ HOÀI PHONG
(PHONG & PARTNERS LAW FIRM)
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng
Tel: 0236.3822678 – 0905102425
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/