Trả lời vấn đề này, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng văn phòng luật sư PHONG & PARTNERS cho biết, theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về các căn cứ khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm.
Theo đó, qua những thông tin bạn cung cấp, để đánh giá có hay không có cơ sở pháp lý cho việc khởi tố vụ án hình sự đối với nhóm đối tượng trên, Luật sư Phong phân tích rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm đối với hành vi trên có liên quan đến 03 tội danh cụ thể dưới đây.
Thứ nhất, về tội "Cản trở giao thông đường bộ"
Tại điểm d khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội "Cản trở giao thông đường bộ" như sau:
"1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
d. Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.
Chủ thể: Các đối tượng thực hiện hành vi là các cá nhân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Khách thể: Hành vi của nhóm đối tượng trên đã xâm phạm đến khách thể là an toàn giao thông đường bộ, ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện trong quá trình lưu thông trên đường.
Mặt khách quan:
Hành vi khách quan: Khu vực bị chặn là phần đường dành cho xe chạy, khu vực dành cho các phương tiện giao thông qua lại trên đường, không ai được phép để chướng ngại vật lên đó để cản trở lưu thông của người tham gia giao thông. Các đối tượng trên đã có hành vi đặt trái phép chướng ngại vật trên đường bộ khiến bạn không thể tiếp tục lưu thông trên đường và gây cản trở giao thông, mất an toàn cho các phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường.
Hành vi trên là hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 2 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ: “Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ”.
Hậu quả của tội phạm: Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội này. Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả phải là quan hệ trực tiếp. Trong tình huống này, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả rất phức tạp vì chưa đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định quan hệ trực tiếp giữa hành vi và hậu quả. Cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động điều tra, kiểm tra, xác minh trong giai đoạn giải quyết tố giác tội phạm để xác định chắc chắn hậu quả tội phạm và mối quan hệ nhân quả trực tiếp thì mới có cơ sở đánh giá cấu thành dấu hiệu tội phạm.
Với những thông tin hiện có thì Luật sư đánh giá có ít nhất 2 quan điểm về quan hệ nhân quả như sau:
Quan điểm thứ nhất: Nhóm đối tượng trên có hành vi đặt chướng ngại vật trái phép trên đường, hậu quả là bạn không thể tiếp tục lưu thông trên đường. Sau khi giải quyết xong, bạn vẫn được tiếp tục lưu thông trên đường, hàng hóa trên xe chưa thực sự bị hư hỏng, chưa gây nên thiệt hại trực tiếp. Các chủ cơ sở kinh doanh không nhận hàng có thể do hàng giao trễ và không đủ độ tươi, đây là hậu quả gián tiếp từ hành vi cản trở giao thông của nhóm đối tượng. Từ đó chưa được xem hành vi này đã đủ cấu thành tội phạm vật chất là gây thiệt hại tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng như quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Quan điểm thứ hai: Nhóm đối tượng trên có hành vi đặt chướng ngại vật trái phép trên đường nhằm hướng đến mục đích cụ thể ngăn cản, cản trở phương tiện của bạn đi vào giao hàng cho tiểu thương ở chợ. Các đối tượng trên biết rõ chủ phương tiện đang chở hàng hóa đi giao cho khách hàng (không phải chờ hàng hóa về nhà tiêu dùng) và mong muốn cản trở phương tiện giao thông để chủ phương tiện không thể giao được hàng hóa đang vận chuyển trên phương tiện đó. Vì vậy, chính hành vi trái pháp luật đặt chướng ngại vật trái phép trên đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả là chủ phương tiện không thể giao hàng hóa đang vận chuyển trên phương tiện cho khách hàng theo thỏa thuận, gây thiệt hại về tài sản cho bạn 160 triệu đồng. Do vậy, đã thoả mãn cấu thành tội phạm vật chất.
Mặt chủ quan: Trong trường hợp này, nhóm đối tượng phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Bởi các đối tượng tuy thấy hành vi của mình có thể ra hậu quả cản trở giao thông, thiệt hại về mặt tài sản cho người khác, các đối tượng có đầy đủ nhận thức được về sự sai trái của hành vi do mình thực hiện nhưng vẫn cố ý thực hiện và mong muốn cho hậu quả đó xảy ra.
Luật sư Phong đánh giá hành vi của nhóm đối tượng trên có dấu hiệu của tội "Cản trở giao thông đường bộ” theo điểm d khoản 1 Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Tuy nhiên, với thông tin và tài liệu hiện tại thì chưa đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định thỏa mãn dấu hiệu mặt khách quan của tội phạm (hậu quả và mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm và hậu quả). Do đó, để xác định có cơ sở khởi tố hình sự hay không thì phải qua giai đoạn giải quyết tố giác tội phạm, cơ quan điều tra sẽ tiến hành một số hoạt động điều tra, kiểm tra, xác minh, thu thập lời khai của nhóm đối tượng (người bị tố giác), người làm chứng để làm rõ hậu quả tội phạm và mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi phạm tội và thiệt hại tài sản của chủ phương tiện.
Thứ hai, về tội "Gây rối trật tự công cộng"
Tại điểm a khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định:
“Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng
1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức”.
Tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn:
“5.1. Hành vi gây rối trật tự công cộng mà để hậu quả xảy ra thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là "gây hậu quả nghiêm trọng" và phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự:
a. Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ;
c. Thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên;”.
Có thể thấy, hành vi khách quan là tập trung đông người ở gần phương tiện và dàn cảnh tai nạn để chặn xe của bạn, làm ảnh hưởng đến tâm lý, công việc làm ăn của bạn và những người khác xung qubạn, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, hoạt động bình thường của người dân sinh sống trên địa bàn và các tiểu thương kinh doanh tại chợ.
Về hậu quả, theo tiểu mục 5.1 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã hướng dẫn về các trường hợp được coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 Bộ luật Hình sự 1999. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hiện này đã thay đổi cụm từ “gây hậu quả nghiêm trọng” thành “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” trong tội "Gây rối trật tự công cộng”. Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn các trường hợp nào được xem là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” và chưa có văn bản nào bãi bỏ Nghị quyết số 02/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Vì vậy theo Luật sư vẫn có thể áp dụng tiểu mục 5.1 của Nghị quyết 02/2003 hướng dẫn về tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự năm 1999 để giải quyết các vụ án gây rối trật tự công cộng với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Xét hậu quả “Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ”: Hành vi gây náo loạn, tập trung nơi đông người của các đối tượng trên đã gây cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ, cụ thể, nhóm đối tượng đã làm cản trở giao thông khu vực bị dàn cảnh, chặn xe gần 2 giờ đồng hồ. Như vậy đã cấu thành hậu quả vật chất là làm cản trở giao thông đến dưới 2 giờ.
Xét thêm hậu quả “thiệt hại về tài sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên”, chưa đủ cơ sở chắc chắn để khẳng định quan hệ trực tiếp giữa hành vi và hậu quả thiệt hại tài sản. Cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động điều tra, kiểm tra, xác minh trong giai đoạn giải quyết tố giác tội phạm để xác định chắc chắn mối quan hệ nhân quả trực tiếp.
Với những thông tin hiện có thì Luật sư đánh giá có ít nhất 2 quan điểm về quan hệ nhân quả như sau:
Quan điểm thứ nhất: Nhóm đối tượng trên có hành vi gây rối trật tự công cộng, ảnh hưởng đến an ninh khu vực tại chợ, làm cho bạn không thể tiếp tục lưu thông trên đường. Các tiểu thương trong chợ không nhận hàng có thể là do hàng giao trễ và không đủ độ tươi là hậu quả gián tiếp từ hành vi gây rối trật tự công cộng của những đối tượng trên. Từ đó chưa được xem hành vi này có quan hệ trực tiếp đến hậu quả thiệt hại tài sản để cấu thành tội phạm vật chất là gây thiệt hại tài sản từ 10 triệu đồng trở lên.
Quan điểm thứ hai: Hành vi tập trung đông người ở gần phương tiện và dàn cảnh tai nạn để chặn xe, làm ảnh hưởng đến tâm lý, công việc làm ăn của bạn và những người khác xung quanh, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, hoạt động bình thường của người dân sinh sống trên địa bàn và các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Đồng thời, hành vi này cũng hướng đến mục đích cụ thể là ngăn cản, cản trở phương tiện của bạn đi vào giao hàng cho tiểu thương ở chợ. Các đối tượng trên biết rõ bạn đang chở hàng hóa đi giao cho khách hàng (không phải chờ hàng hóa về nhà tiêu dùng) và mong muốn cản trở bạn giao hàng cho khách hàng. Vì vậy, chính hành vi trái pháp luật gây rối trật tự công cộng là nguyên nhận trực tiếp gây ra hậu quả là bạn không thể giao hàng hóa đang vận chuyển trên phương tiện cho khách hàng theo thỏa thuận, gây thiệt hại về tài sản cho bạn là 160 triệu đồng, thoả mãn cấu thành tội phạm vật chất liên quan đến thiệt hại tài sản từ 10 triệu đồng trở lên.
Các đối tượng phối hợp có tổ chức, dàn cảnh, phối hợp với nhau gây náo loạn và cố ý thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Các đối tượng nhận thức rõ mức độ nguy hiểm ảnh hưởng cho xã hội, đến trật tự, an ninh, lối sống lành mạnh, ổn định của người dân tại khu vực và đặc biệt thấy được hậu quả xảy ra sẽ ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn khu vực tại nơi công cộng, cản trở giao thông.
Theo Luật sư Phong, hành vi của nhóm đối tượng trên có dấu hiệu của tội "Gây rối trật tự công cộng” theo điểm a khoản 2 Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Thứ ba, về tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản"
Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017:
“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”.
Theo đó, các đối tượng thực hiện hành vi là các cá nhân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của nhóm đối tượng trên đã xâm phạm đến tài sản là số hàng hoá của bạn.
Các đối tượng đã dàn cảnh tai nạn để chặn xe của bạn, khiến cho bạn không thể giao hàng kịp thời gian, cố ý làm hư hỏng hàng hóa trên xe mà bạn đang tiến hành đi giao hàng.
Hậu quả: Khi kết thúc hành vi dàn cảnh gây tai nạn, số hàng hóa trên xe của bạn không còn đảm bảo độ tươi, hậu quả khiến cho bạn không thể giao hàng cho tiểu thương ở chợ, thiệt hại lên đến 160 triệu đồng.
Hành vi dàn cảnh, cản trở giao thông của nhóm đối tượng đã làm cho bạn không thể giao hàng đúng giờ, không còn đảm bảo được chất lượng nên các tiểu thương đã từ chối nhận hàng, thiệt hại lên đến 160 triệu đồng. Như vậy đã có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả trong trường hợp này.
Khi thực hiện hành vi, nhóm đối tượng đã phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp. Hành vi của nhóm đối tượng nhằm mục đích cố ý làm hư hỏng tài sản trên xe của bạn, khiến cho bạn không thể giao hàng cho các tiểu thương trong chợ như đã hẹn.
Vì vậy, hành vi của nhóm đối tượng trên cũng có dấu hiệu của tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.