Phong & Partners cảm ơn câu hỏi của bạn. Phong & Partners trả lời câu hỏi của bạn như dưới đây.
Thứ nhất, bạn có quyền yêu cầu chồng cấp dưỡng cho con
Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Theo quy định trên, chồng cũ của bạn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con chung của hai người vì con của bạn chưa thành niên (7 tuổi).
Thứ hai, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án buộc chồng cũ cấp dưỡng cho con nếu chồng cũ của bạn không đồng ý việc cấp dưỡng.
Khoản 1 Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”. Như vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn và con của bạn, bạn có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án buộc chồng cũ phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Ngoài ra, quan hệ cha mẹ - con cái là quan hệ huyết thống, không chỉ chịu sự điều chỉnh của pháp luật, mà trước hết, là vấn đề thuộc về đạo đức, tình cảm gia đình. Cho nên, trường hợp bạn yêu cầu chồng cấp dưỡng cho con nhưng người chồng từ chối, trước khi khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc chồng cũ cấp dưỡng, bạn nên phân tích để chồng nhận ra, việc cấp dưỡng nuôi con, trước hết là để duy trì sợi dây huyết thống giữa cha và con, để con thấy được bổn phận và tình cảm của người cha đối với con. Bởi việc li hôn là việc của hai vợ chồng, nhưng việc cấp dưỡng lại liên quan trực tiếp đến con, nếu chồng từ chối và vấn đề phải đưa ra Tòa án, có thể gây mất mát lớn đối với tình cảm cha con.
Trên đây là nội dung tư vấn và quan điểm của Phong & Partners. Chúc bạn tìm được giải pháp phù hợp cho vấn đề của bạn!
========================
PHONG & PARTNERS LAW FIRM
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng
Tel: 0236.3822678 – 0905102425
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/