CƠ CẤU LẠI THỜI HẠN TRẢ NỢ VAY CHO DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH COVID-19
Được đăng vào 18:54 Ngày 10/09/2021
Đại dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm 2020, tồn tại và nhiều lần bùng phát, đến nay đã tác động nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào trạng thái suy thoái. Cùng chung cảnh ngộ với các doanh nghiệp của các quốc gia khác chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đứng trước bờ vực phá sản, giải thể. Việc phải ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của Nhà nước đã đẩy các doanh nghiệp vào hoàn cảnh không có doanh thu, trong khi các nghĩa vụ liên quan đến tài chính thì vẫn phát sinh hàng ngày. Doanh nghiệp khốn đốn nay lại kiệt quệ hơn khi áp lực các khoản vay tại các tổ chức tín dụng – Ngân hàng thương mại (ngân hàng) lại đè nặng trên vai mà chưa tìm được phương án xoay xở. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp thắc mắc:

1.   Có căn cứ để doanh nghiệp yêu cầu ngân hàng cơ cấu các khoản nợ vay tại các ngân hàng đã đến hạn (giãn nợ vay, kéo dài thời gian trả nợ…) không?

2.   Có căn cứ để yêu cầu giảm lãi phạt quá hạn, giảm lãi vay trong hạn, gia hạn thời hạn trả lãi, ân hạn thời gian trả lãi hay không?

3.   Có căn cứ để các doanh nghiệp yêu cầu được vay vốn ngắn hạn, lưu động, trung hạn để phục hồi sản xuất trong hoàn cảnh bị tác động bởi dịch bệnh trong thời gian qua hay không?

4.   Có cơ sở để viện dẫn quy định về bất khả kháng để yêu cầu cơ cấu nợ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang xảy ra hay không?

 

Xác định được tầm quan trọng liên quan đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đối với nền kinh tế, pháp luật đã có những quy định để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vấn đề liên quan đến vốn từ các khoản vay ở ngân hàng, mà cụ thể là quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay. Tuy nhiên, khoảng cách giữa quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng lại quá xa, khiến cho doanh nghiệp vẫn đang lúng túng; ngân hàng thì tìm cách trì hoãn thực hiện, hạn chế quyền lợi của doanh nghiệp. Thấu hiểu tình trạng khó khăn của doanh nghiệp, Phong & Partners đã tập trung nghiên cứu những nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay của doanh nghiệp với mong muốn để chung tay phần nào giúp doanh nghiệp cùng vượt qua giai đoạn sinh tử này.

 

A.   Văn bản pháp luật

  • Bộ luật Dân sự 2015;
  • Luật Thương mại 2005
  • Nghị quyết 68/2021/NQ-CP;
  • Quyết định 23/2021/QĐ-TTg;
  • Luật Các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
  • Thông tư 39/2016/TT-NHNN;
  • Thông tư 01/2020/TT-NHNN;
  • Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN;
  • Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

 

B.   Nội dung nghiên cứu

1.   Căn cứ để doanh nghiệp yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay tại các ngân hàng đã đến hạn (giãn nợ, kéo dài thời gian trả nợ)

a.   Căn cứ pháp lý

  • Khoản 2 Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, mua bán nợ của tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
  • Khoản 10 Điều 2 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ như sau:

a) Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận (bao gồm cả trường hợp không thay đổi về số kỳ hạn trả nợ đã thỏa thuận), thời hạn cho vay không thay đổi;

b) Gia hạn nợ là việc tổ chức tín dụng chấp thuận kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, vượt quá thời hạn cho vay đã thoả thuận.

  • Điều 19, Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về Cơ cấu thời hạn trả nợ như sau: Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:

1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.

2. Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng.

3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trước hoặc trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày đến kỳ hạn, thời hạn trả nợ đã thỏa thuận.

  • Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về Nợ quá hạn như sau: Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.
  • Sau khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã có những quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay của doanh nghiệp tại Điều 4 Thông tư 01/2020/TT-NHNN và liên tục được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã xảy ra trên thực tế qua các quy định tại Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN.

b.   Nhận định

Như vậy, vấn đề cơ cấu lại thời hạn trả nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp đã được pháp luật quy định khá rõ ràng. Và theo quy định mới nhất tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN thì các khoản vay ở ngân hàng của doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ đến ngày 30/6/2022. Các doanh nghiệp có khoản nợ vay ở ngân hàng thuộc các trường hợp quy định tại Điều 4 Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 14/2021/TT-NHNN đều được quyền yêu cầu ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo phương thức điều chỉnh thời hạn trả nợ hay gia hạn nợ vay.

2.   Căn cứ pháp lý để yêu cầu giảm lãi vay trong hạn, gia hạn thời gian trả lãi, ân hạn thời gian trả lãi

a.   Căn cứ pháp lý

  • Khoản 4 Điều 21 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng như sau: Tổ chức tín dụng (ngân hàng) có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.
  • Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng nhà nước cũng đã có những quy định cụ thể hơn về việc miễn, giảm lãi tiền vay, phí tại Điều 5 Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Theo đó, các khoản vay trước phát sinh trước ngày 01/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 30/6/2022 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID -19 thì được miễn, giảm đến ngày 30/6/2022.

b.   Nhận định

Từ nội dung căn cứ pháp lý nêu trên cho thấy pháp luật cũng đã có những quy định về việc miễn, giảm lãi tiền vay, tiền phí cho khách hàng (doanh nghiệp). Do đó, doanh nghiệp có cơ sở để yêu cầu ngân hàng thực hiện việc miễn, giảm lãi tiền vay, phí liên quan đến khoản vay của mình.

3.   Căn cứ để các doanh nghiệp được vay vốn ngắn hạn, lưu động, trung hạn để phục hồi sản xuất trong hoàn cảnh bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19.

a.   Căn cứ pháp lý

  • Điểm b Khoản 11 Mục II Nghị quyết 68/2021/NQ-CP quy định về việc vay vốn hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất như sau: Cho vay trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động theo thời gian trả lương thực tế tối đa 03 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
  • Khoản 2 Điều 38 Quyết định 23/QĐ-TTg về điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất quy định: Người sử dụng lao động được vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có đủ các điều kiện sau:

a) Đối với người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022

- Người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022.

- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn.

b) Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất, kinh doanh

- Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn.

- Có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh.

- Không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.

b.   Nhận định

Như vậy, có thể thấy đến thời điểm hiện tại, pháp luật chỉ có quy định việc hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các trường hỗ trợ hợp vay vốn để sử dụng cho mục đích không phải là trả lương cho người lao động thì pháp luật chưa có quy định.

4.   Căn cứ pháp lý để viện dẫn quy định về sự kiện bất khả kháng để yêu cầu cơ cấu nợ trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã và đang xảy ra.

a.   Căn cứ pháp lý

  • Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định về sự kiện bất khả kháng như sau: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
  • Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại về Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm  quy định: Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.
  • Thoả thuận trong hợp đồng (nếu có).

b.   Nhận định

Hợp đồng tín dụng là hợp đồng theo mẫu của ngân hàng nên điều khoản về bất khả kháng không được đề cập. Vì vậy, khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, doanh nghiệp chỉ có thể viện dẫn quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự và Điểm b Khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại nêu trên. Theo đó, bên vi phạm hợp đồng được viện dẫn quy định về bất khả kháng để miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng và nghĩa vụ vi phạm đó phải là nghĩa vụ trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự kiện bất khả kháng như nghĩa vụ giao hàng (đối với hợp đồng mua bán hàng hoá, vận chuyển hàng hoá…), nhưng nghĩa vụ trả nợ vay trong hợp đồng tín dụng trên thực tế, rất khó để xác định là vi phạm do sự kiện bất khả kháng. Vì vậy, viện dẫn quy định về bất khả kháng liên quan đến dịch bệnh COVID-19 để miễn trừ trách nhiệm khi doanh nghiệp vi phạm về thời hạn trả nợ vay là điều không đơn giản cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn.

 Tuy nhiên, như đã trình bày trên đây, để yêu cầu ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí liên quan đến khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng, doanh nghiệp có thể áp dụng các quy định của pháp luật mà không cần bận tâm đến vấn đề về bất khả kháng.

 

C.   Giải pháp thực hiện

Mặc dù đã có quy định về việc cơ cấu lại các khoản nợ, nhưng vẫn chưa có quy định về những con số và mức độ miễn giảm cụ thể. Do đó, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu đưa ra phương án cơ cấu phù hợp với điều kiện và khả năng của doanh nghiệp mình trong thời gian tới (càng chi tiết và có tính thuyết phục càng tốt). Trên cơ sở đó, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị cho ngân hàng mà doanh nghiệp đang vay; làm việc trực tiếp với ngân hàng để trao đổi, đàm phán. Trong trường hợp ngân hàng không chịu giải quyết yêu cầu hoặc thực hiện không đúng với quy định của pháp luật, doanh nghiệp cần gửi ngay văn bản kiến nghị, khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước để yêu cầu can thiệp, giải quyết.

 

Trong trường hợp doanh nghiệp cần hỗ trợ của chúng tôi về những vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ theo thông tin dưới đây.

 

===================

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS

Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425

          CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624

          CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099

          CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269

Tel: 0236.3822678

Email: phongpartnerslaw@gmail.com

Web: https://phong-partners.com/

Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:           

Logo
Phong & Partners cung cấp tất cả dịch vụ pháp lý với chất lượng cao nhất - là kết quả từ sự chuyên nghiệp, chuyên tâm và sự gắn kết, hỗ trợ hiệu quả của toàn hệ thống vì lợi ích cao nhất của khách hàng.
Copyright © 2020 P&P. All Rights Reserved.
Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn
0905102425

02363 822 678

phongpartnerslaw@gmail.com

https://www.whatsapp.com/

https://www.viber.com/