Thế nhưng sau 10 năm triển khai, thực tế cho thấy, nhiều người dân mua bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ nhằm đối phó với Cảnh sát giao thông, hơn nữa người mua bảo hiểm vẫn còn ngần ngại trong tiếp cận doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu bồi thường khi tai nạn xảy ra, thống kê cụ thể như sau: Năm 2019, tổng doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là 765 tỷ đồng, tuy nhiên phí chi trả bồi thường cho các vụ tai nạn chỉ 45 tỷ đồng. (Theo số liệu của Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính năm 2019)
Lý giải nguyên nhân cho vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong chia sẻ: “Đa phần mức giá trị bồi thường của bảo hiểm không nhiều nhưng thủ tục quá phức tạp. Việc xác định yếu tố lỗi, không phải ai cũng xác minh được; người dân còn gặp khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại; và khi nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến doanh nghiệp bảo hiểm, chỉ cần một trong số những giấy tờ không hợp pháp, không đủ điều kiện là hồ sơ không được chấp nhận”.
Do đó, nếu xem bảo hiểm dân sự đối với xe máy là một chính sách an sinh xã hội thì cơ quan soạn thảo dự án luật Bộ tài chính cần có điều chỉnh hợp lý.
“Khi có hậu quả xảy ra nhưng không xác định được yếu tố lỗi thì công ty bảo hiểm phải chia sẻ vấn đề này, kèm theo đó, nhà nước phải có những quy định để điều kiện về được bảo hiểm được đơn giản hơn; hoặc khi có tình huống xảy ra, liên hệ với cơ quan bảo hiểm bằng cách thức gì? thời gian bao lâu thì sẽ có người đến xác minh, nếu không đến thì cơ quan bảo hiểm phải chi trả trong mọi điều kiện” - Thạc sĩ, Luật sư Lê Ngô Hoài Phong góp ý.
Nội dung được chia sẻ trên Đà Nẵng TV1