TỔNG HỢP 18 VƯỚNG MẮC TRONG XÉT XỬ VỀ HÌNH SỰ VÀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐƯỢC TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO GIẢI ĐÁP TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2021
Được đăng vào 18:35 Ngày 06/09/2021
Phong & Partners tổng hợp 18 vướng mắc trong xét xử về hình sự và tố tụng hình sự được Toà án nhân dân tối cao giải đáp từ NĂM 2016 đến NĂM 2021.

Vướng mắc 1. Hiện nay, việc áp dụng quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 về đương nhiên được xóa án tích có hai quan điểm khác nhau.

         - Quan điểm thứ nhất cho rằng: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính mà không phạm tội trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, còn các hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án họ có thể thực hiện bất kỳ lúc nào, chỉ cần trước ngày phạm tội mới.

         - Quan điểm thứ hai cho rằng: người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ ngày chấp hành xong toàn bộ bản án mà không phạm tội mới trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong hai quan điểm trên thì quan điểm nào đúng?

         Khoản 2 Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định “Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn...”. Từ khi chấp hành xong bản án ở đây được hiểu là chấp hành xong tất cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Tuy nhiên, quy định này đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó thời điểm để tính đương nhiên được xóa án tích là kể từ khi người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án.

         So với quy định tại khoản 2 Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1999, quy định tại khoản 1 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 là quy định mới có lợi cho người phạm tội, được áp dụng kể từ ngày 01-7-2016. Như vậy, trong hai quan điểm trên, quan điểm thứ nhất là đúng, người bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, cần lưu ý điều kiện để người bị kết án đương nhiên được xóa án tích quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015 không thay đổi so với Điều 64 Bộ luật Hình sự năm 1999.

(Theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ)

 

Vướng mắc 2. Trong vụ án có đồng phạm, sau khi chiếm đoạt được tài sản, các bị cáo đã bán để chia nhau. Trong quá trình điều tra, một bị cáo bồi thường toàn bộ cho người bị hại nhưng không yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả thì Tòa án có tịch thu của các bị cáo khác số tiền đã chiếm đoạt để sung vào ngân sách nhà nước hay không? Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trách nhiệm liên đới bồi thường đối với các bị cáo khác trong cùng vụ án thì xử lý thế nào?

         Theo quy định tại Điều 298 Bộ luật Dân sự năm 2005 (Điều 288 Bộ luật Dân sự năm 2015) thì những người gây thiệt hại trong vụ án có đồng phạm phải liên đới bồi thường. Một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

         Trong trường hợp nêu trên, nếu một bị cáo đã tự nguyện bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra nhưng sau đó không yêu cầu các đồng phạm khác hoàn trả số tiền mà mình đã bồi thường thay thì khi xét xử Tòa án phải giải thích cho bị cáo biết quyền yêu cầu các bị cáo khác hoàn trả phần tài sản mà bị cáo đã bồi thường thay. Nếu bị cáo vẫn không thực hiện quyền yêu cầu thì Tòa án ghi nhận sự tự nguyện của bị cáo, không buộc các bị cáo khác phải hoàn trả, đồng thời cũng không tịch thu sung vào ngân sách nhà nước khoản tiền thuộc trách nhiệm bồi thường của các bị cáo khác.

         Trường hợp bị cáo đã bồi thường chưa yêu cầu giải quyết trong cùng vụ án thì sau này nếu có yêu cầu sẽ giải quyết thành vụ án dân sự khác.

(Theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ)

 

Vướng mắc 3. Tình tiết “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu như thế nào?

         Theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật Hình sự thì không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ nếu sau khi bị kết án đã nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù chung thân là loại hình phạt nhẹ hơn so với hình phạt tử hình, nên “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” quy định tại khoản 1 Điều 63 của Bộ luật Hình sự được hiểu là đã bồi thường được ít nhất một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp, người bị kết án bồi thường được ít hơn một phần hai nghĩa vụ dân sự theo bản án, quyết định của Tòa án nhưng có văn bản miễn giảm một phần nghĩa vụ dân sự hoặc có thỏa thuận khác của phía bị hại (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền) thể hiện người bị kết án đã bồi thường được một phần hai nghĩa vụ dân sự thì cũng được coi là “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự”.

(Theo Công văn số 64/TANDTC-PC 2017 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính)

 

Vướng mắc 4. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự thì có xử lý về hình sự hay không?

         Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về việc lấy trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự. Trước đây, nội dung này đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999.

         Hiện nay, chưa có Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn quy định này của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, vận dụng Thông tư liên tịch số 02 này thì trường hmột người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục , kế tiếp nhau về mặt thời gian.

(Theo Công văn số 64/TANDTC-PC 2017 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính)

 

Vướng mắc 5. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu, mà trị giá tài sản của các lần phạm tội đã được cộng lại để xử lý trách nhiệm hình sự theo khung tăng nặng, thì họ có bị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” hay không?

         Trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng một loại hành vi phạm tội xâm phạm sở hữu (ví dụ: nhiều lần phạm tội trộm cắp tài sản), mà tổng trị giá tài sản của các lần phạm tội thỏa mãn dấu hiệu định khung tăng nặng, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

         Việc áp dụng khung hình phạt tăng nặng trong trường hợp này là căn cứ vào trị giá tài sản chiếm đoạt, còn việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội, nên hoàn toàn không trái với quy định tại khoản 2 Điều 52 của Bộ luật Hình sự (các tình tiết đã được Bộ luật Hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng). Hơn nữa, việc áp dụng pháp luật như trên còn bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự (quy định tại Điều 3 của Bộ luật Hình sự), bảo đảm sự phân hóa tội phạm, cá thể hóa trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm sự công bằng trong việc xem xét cho hưởng án treo, tha tù trước thời hạn có điều kiện cũng như các chế định nhân đạo khác đối với người phạm tội.

         Ví dụ: Một người trộm cắp 02 lần mỗi lần 2.000.000 đồng. Do thuộc trường hợp “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự nên theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP thì họ không được hưởng án treo . Tuy nhiên, giả sử hai lần trộm cắp đó có tổng trị giá tài sản là 50.000.000 đồng , nếu Tòa án chỉ căn cứ vào trị giá tài sản để áp dụng tình tiết định khung “chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng”, mà không căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội để áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” thì họ vẫn có thể được hưởng án treo. Việc áp dụng như vậy sẽ không bảo đảm nguyên tắc công bằng và phù hợp trong việc xử lý.

(Theo Công văn số 64/TANDTC-PC 2017 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính)

 

Vướng mắc 6. Trường hợp người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích vay vốn, tức là dùng vốn vay với mục đích ban đầu là đầu tư, kinh doanh, sản xuất nhưng sau đó tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại dẫn đến không trả được nợ thì có được coi là “sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản” và có bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không?

         Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian di hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù cỏ điều kiện, khả năng nhưng ctình không trả”. So với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 của Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm a khoản 1 Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm tình tiết “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Như vậy, người vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích xin vay vốn nhưng không sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền, sản xuất, buôn bán ma túy...) mà dùng vốn vay để tiêu xài, xây nhà cửa, mua sắm đồ dùng, phương tiện đi lại...) dẫn đến khi đến hạn họ không có điều kiện, khả năng trả nợ thì không coi là sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản để xử lý trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trường hợp đến thời hạn trả lại tài sản mà họ có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả (có nhà, đất đai, tài sản nhưng chây ì, tẩu tán hoặc có hành vi chống đối lại việc kê biên, thu hồi tài sản...) thì bị xử lí trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

(Theo Công văn số 64/TANDTC-PC 2017 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính)

 

Vướng mắc 7. Người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự. Trường hợp này có được đương nhiên xóa án tích không?

         Điều 70 của Bộ luật Hình sự quy định về các điều kiện đương nhiên được xóa án tích, trong đó có điều kiện: người bị kết án nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án. Như vậy, Bộ luật Hình sự không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.

         Do vậy, trường hợp người bị kết án (sau này là bị can, bị cáo trong một vụ án mới) không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự nên chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.

(Theo Công văn số 64/TANDTC-PC 2017 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính)

 

Vướng mắc 8. Trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “người tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có” có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không?

         Theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: 1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30-11-2011 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì: 1. “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hi lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua); 2. “Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có ” là có cần cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.

         Như vậy, theo quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn nêu trên thì mặt chủ quan của tội phạm này chỉ bắt buộc người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết tài sản đó do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ ai là người đã trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội để có được tài sản đó và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa. Do vậy, trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội trước không bị truy cứu trách nhiệm hình sự do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự nhưng có đủ chứng cứ chứng minh được ý thức chủ quan của người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ biết rõ các tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là do người khác phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

(Theo Công văn số 64/TANDTC-PC 2017 ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính)

 

Vướng mắc 9.  Vướng mắc về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 của Bộ luật Hình sự).

         - Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi thu được từ việc cho vay hay là khoản tiền lãi thu được sau khi trừ đi tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự?

         Theo quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay...”. Do đó, khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự là số tiền lãi thu được sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự.

         - Khoản tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay hay số tiền lãi thu được của từng người vay?

         Khoản tiền thu lợi bất chính  để xác định trách nhiệm hình sự là tổng số tiền lãi mà người phạm tội thu được của tất cả những người vay, nếu hành vi cho vay lãi nặng được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

         Trường hợp một người thực hiện nhiều lần hành vi cho vay lãi nặng, mà tổng số tiền thu lợi bất chính của các lần phạm tội từ 100 triệu đồng trở lên, nếu các lần phạm tội đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thì ngoài việc bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với trị giá tài sản chiếm đoạt, họ còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

         - Khoản tiền thu lợi bất chính mà người phạm tội thu được từ việc cho vay lãi nặng bị tịch thu sung công hay trả lại cho người vay?

         Theo quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự thì: “Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Do đó, khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất trên 20%/năm là khoản tiền mà người phạm tội thu lợi bất chính của người vay nên được trả lại cho người vay tiền, trừ trường hợp người vay sử dụng tiền vay vào mục đích bất hợp pháp (như đánh bạc, mua bán trái phép chất ma túy...) thì khoản tiền thu lợi bất chính bị tịch thu sung công quỹ nhà nước.

         - Khoản tiền người phạm tội dùng để cho vay và khoản lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm có xác định là phương tiện phạm tội để tịch thu sung quỹ nhà nước hay trả cho người phạm tội?

         Đối với khoản tiền cho vay (tiền gốc) được xác định là phương tiện phạm tội, nên bị tịch thu sung quỹ Nhà nước.

         Đối với khoản tiền lãi tương ứng với mức lãi suất 20%/năm tuy không bị tính khi xác định trách nhiệm hình sự, nhưng đây cũng là khoản tiền phát sinh từ tội phạm, đồng thời hoạt động cho vay lãi nặng thường gắn với các băng nhóm tội phạm. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm thì Tòa án phải tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước khoản tiền này.

         - Người vay tiền trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tham gia tố tụng với tư cách là bị hại hay là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan?

         Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì người vay tiền trong trường hợp này tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

         - Trong vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có bắt buộc phải trưng cầu giám định về tiền lãi không?

         Tại Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-VKSNDTC- TANDTC-BCA-BTP ngày 13-12-2017 quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế thì việc xác định tiền lãi, tiền lãi nặng trong vụ án này không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp.

(Theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13 tháng 09 năm 2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

 

Vướng mắc 10. Người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức?

         Hành vi làm giả giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã xâm phạm vào 02 khách thể khác nhau được Bộ luật Hình sự bảo vệ (quy định tại Điều 174 và Điều 341 của Bộ luật Hình sự), nên nếu hành vi đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì bị xử lý hình sự cả về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341).

(Theo Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13 tháng 09 năm 2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

 

Vướng mắc 11. Đối với vụ án đánh bạc, Tòa án căn cứ vào tổng số tiền thu được hay số tiền mỗi bị cáo dùng đánh bạc để xem xét trách nhiệm hình sự và quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo.

         Trường hợp này, tùy vào vụ việc cụ thể mà xác định trách nhiệm hình sự và mức hình phạt của các bị cáo. Cụ thể: đối với trường hợp các bị cáo cùng đánh bạc với nhau (như đánh phỏm, đánh chắn, đánh liêng, đánh sâm...) thì căn cứ vào tổng số tiền thu trên chiếu bạc (tổng số tiền dùng vào việc đánh bạc) để xem xét trách nhiệm hình sự; số tiền mỗi bị cáo dùng vào việc đánh bạc là một trong những căn cứ để Tòa án xem xét, đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm khi quyết định hình phạt đối với mỗi bị cáo; đối với trường hợp con bạc đánh với chủ bạc (như lô đề, cá độ bóng đá, đua ngựa...) thì việc xác định khung hình phạt và mức hình phạt phải căn cứ vào số tiền từng bị cáo dùng vào việc đánh bạc. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc chứng minh số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng

(Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

 

Vướng mắc 12. Tại Công văn số 170/TANDTC-PC ngày 01-8-2018 của Tòa án nhân dân tối cao về thực hiện quy định của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24-04-2018 về tha tù trước thời hạn có điều kiện có hướng dẫn: “…thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là sau 15 ngày kể từ ngày ký, ban hành và thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách kể từ ngày Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có hiệu lực pháp luật.”. Vậy xác định ngày đầu tiên trong thời hạn 15 ngày để xác định thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện được tính như thế nào?

         Quy định về tính thời hạn của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cơ bản không thay đổi. Trước đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có hướng dẫn xác định thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thời hạn kháng cáo, kháng nghị tại tiểu mục 4.1 phần I Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08-12-2005 hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “Xét xử phúc thẩm” của Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, thời hạn trong tha tù trước thời hạn có điều kiện theo quy định hiện hành cũng được xác định định tượng tự. Cụ thể, ngày đầu tiên của thời hạn 15 ngày để xác định thời điểm có hiệu lực của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện theo hướng dẫn tại Công văn số 170 nêu trên là ngày tiếp theo của ngày ký ban hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

         Ví dụ: ngày 01-4-2020, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh A ký, ban hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện thì ngày bắt đầu của thời hạn 15 ngày để xác định thời điểm có hiệu lực của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là 0 giờ ngày 02-4-2020, thời điểm kết thúc của thời hạn này là 24 giờ ngày 16-4-2020 và thời điểm có hiệu lực pháp luật của Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện là 0 giờ ngày 17-4-2020.

(Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

 

Vướng mắc 13. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung cho Viện kiểm sát nhưng thời hạn tạm giam bị cáo theo Lệnh tạm giam ở giai đoạn chuẩn bị xét xử đã hết, trong khi hồ sơ vụ án rất dày, có nhiều tài liệu, cần phải có thời gian kiểm đếm mới có thể bàn giao cho Viện kiểm sát. Vậy trong trường hợp này, Hội đồng xét xử có được ra Lệnh tạm giam mới đối với bị cáo không? Nếu được thì thời hạn tạm giam là bao nhiêu ngày?

         Theo quy định tại Điều 177 và khoản 1 Điều 228 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì: “Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại Điều 176 của Bộ luật này. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết; nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử, thì Tòa án ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa”.

“Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà bị phạt tù nhưng đến ngày kết thúc phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo để bảo đảm việc thi hành án, trừ trường hợp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 227 của Bộ luật này”.

         Như vậy, Hội đồng xét xử chỉ được ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa hoặc ra quyết định bắt tạm giam bị cáo sau khi tuyên án để bảo đảm việc thi hành án. Đối với trường hợp Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là đã kết thúc phiên tòa nên Hội đồng xét xử không có quyền tạm giam bị cáo để hoàn thành việc xét xử. Hội đồng xét xử cũng không có quyền bắt tạm giam bị cáo để phục vụ cho việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung thì quyết định này (kèm hồ sơ vụ án) phải được gửi cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Cho nên, việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn sau khi Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung là thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

         Để tránh bị động trong việc kiểm đếm hồ sơ trả cho Viện kiểm sát, khi xây dựng kế hoạch xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải dự kiến được những công việc cần phải làm và chủ động phối hợp với Viện kiểm sát để giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

(Theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ)

 

Vướng mắc 14. Đối với người bị kết án là phụ nữ mà sau khi bị kết án họ liên tục có thai và sinh con để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù thì Tòa án có cho họ hoãn chấp hành hình phạt tù không?

         Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999 (điểm b khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015) thì người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong trường hợp “Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi”.

         Như vậy, nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.

(Theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ)

 

Vướng mắc 15. Người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại có đơn xin hoãn thi hành án do bị bệnh nặng. Kết quả giám định sức khỏe kết luận tỷ lệ tổn thương do bệnh là 25%. Vậy, Tòa án có căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe do bệnh để quyết định cho người phải thi hành án hoãn thi hành án không?

         Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 61 Bộ luật Hình sự năm 1999 (điểm a khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự năm 2015), người bị xử phạt tù bị bệnh nặng có thể được hoãn chấp hành hình phạt cho đến khi sức khỏe được hồi phục. Việc xác định người bị bệnh nặng được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt, cụ thể: “người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu... Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

         Như vậy, việc xác định bệnh nặng phải trên cơ sở hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 7.1 mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP nêu trên. Khi xem xét cho người phải thi hành án phạt tù đang tại ngoại được hoãn chấp hành hình phạt tù do bị bệnh nặng, Tòa án phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa, bệnh viện cấp tỉnh hoặc cấp quân khu trở lên là bị bệnh nặng mà không căn cứ vào tỷ lệ tổn thương sức khỏe.

(Theo Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ)

 

Vướng mắc 16. Trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện nhưng khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?

         Về vấn đề này, trước đây đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐTP ngày 22-10-2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có thay đổi, bổ sung so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Do đó, trường hợp bị cáo bị truy tố về một hoặc một số tội thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án nhân dân cấp huyện mà khi thụ lý vụ án xét thấy bị cáo đã bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình tại một bản án khác và bản án đó đã có hiệu lực pháp luật thì Toà án nhân dân cấp huyện phải báo cáo với Toà án nhân dân cấp tỉnh để Toà án nhân dân cấp tỉnh thống nhất với Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh rút hồ sơ vụ án lên để truy tố, xét xử ở cấp tỉnh.

(Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

 

Vướng mắc 17.  Người được Tòa án quyết định hoãn chấp hành án phạt tù (đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc mang thai), chưa hết thời gian hoãn nhưng người bị kết án tự nguyện xin đi chấp hành án thì cơ quan có thẩm quyền có chấp nhận không?

         Trường hợp này, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù phải có đơn gửi Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn chấp hành án phạt tù để Chánh án ra quyết định thi hành án trong đó có ghi rõ nội dung quyết định này thay thế quyết định hoãn chấp hành án phạt tù.

(Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử)

 

Vướng mắc 18. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cùng cp vi phạm về thời hạn ra quyết định truy t bị can và thời hạn giao cáo trạng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 240 của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc có dấu hiệu sửa chữa ngày ghi biên bản giao nhận hồ sơ vụ án từ cơ quan điều tra sang Viện kiểm sát để phù hợp với thời hạn luật định. Vậy Tòa án có trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không?

         Trường hợp trên được xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án chỉ trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu vi phạm này xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22-12-2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

         Trường hợp nếu Tòa án không trả hồ sơ thì khi xét xử và ban hành bản án, Tòa án phải đánh giá, phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

(Theo Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc Giải đáp một số vướng mắc trong xét xử).

 

===================

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS

Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425

          CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624

          CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099

          CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269

Tel: 0236.3822678

Email: phongpartnerslaw@gmail.com

Web: https://phong-partners.com/

Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:            Các luật sư của Phong & Partners có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý, đào tạo pháp lý và cộng tác với các đơn vị:           

Logo
Phong & Partners cung cấp tất cả dịch vụ pháp lý với chất lượng cao nhất - là kết quả từ sự chuyên nghiệp, chuyên tâm và sự gắn kết, hỗ trợ hiệu quả của toàn hệ thống vì lợi ích cao nhất của khách hàng.
Copyright © 2020 P&P. All Rights Reserved.
Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn
0905102425

02363 822 678

phongpartnerslaw@gmail.com

https://www.whatsapp.com/

https://www.viber.com/