Trong bối cảnh chuyển đổi mô hình, điều khiến người dân quan tâm nhất là: Liệu các dịch vụ hành chính công có bị gián đoạn không? Có đảm bảo quyền lợi và tiện ích như trước? Thực tế cho thấy, tại hầu hết các phường trên địa bàn thành phố – đặc biệt là ở những địa bàn đông dân như Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê – hoạt động hành chính không những không bị gián đoạn mà còn ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực ngay trong những ngày đầu tiên. Nhờ quá trình chuẩn bị bài bản, từ rà soát hồ sơ, số hóa dữ liệu đến tập huấn cán bộ, công chức, các phường đã đảm bảo được sự liền mạch trong hoạt động hành chính. Thành phố cũng đã chủ động bố trí lực lượng hỗ trợ từ các phòng ban chuyên môn, đoàn thanh niên và tổ dân phố, giúp tiếp nhận, hướng dẫn người dân tận tình trong thời điểm ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ. Một điểm đáng chú ý trong quá trình chuyển giao là mọi thủ tục hành chính – từ đơn giản đến phức tạp – đều được tiếp nhận và giải quyết đầy đủ.
UBND Phường Hòa Cường
UBND Phường Hải Châu
Tại phường Sơn Trà, các thủ tục như đăng ký thường trú, cấp giấy khai sinh, khai tử, chứng thực hợp đồng… đều được xử lý kịp thời, đảm bảo đúng thời hạn theo quy định. Không có hồ sơ nào bị "treo" vì lý do thay đổi địa giới hay thiếu thông tin.
UBND Phường Sơn Trà
Tại phường Thanh Khê, chị Nguyễn Thị Thu Hà (trú đường Lê Duẩn) chia sẻ: “Tôi đến xin chứng thực hợp đồng thuê nhà. Ban đầu cũng hơi lo vì phường mới, sợ phải làm lại giấy tờ. Nhưng khi đến nơi thì mọi thứ rõ ràng, cán bộ hướng dẫn tận tình và xử lý rất nhanh.” Thực tế này cho thấy, việc tổ chức, phân luồng hồ sơ đã được chính quyền địa phương thực hiện khoa học, hiệu quả, không để người dân bị gián đoạn quyền tiếp cận dịch vụ công.
UBND Phường Thanh Khê
UBND Phường Liên Chiểu
Trung tâm hành chính Phường Hòa Khánh
Trung tâm hành chính Phường Ngũ Hành Sơn
Ngay từ trước ngày 1/7, Đà Nẵng đã công bố toàn bộ danh sách địa chỉ UBND và Trung tâm phục vụ hành chính công của 94 phường, xã mới sáp nhập trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các nền tảng chính thức của thành phố. Tại trụ sở phường, bảng niêm yết thủ tục được bố trí ở vị trí dễ quan sát, in ấn rõ ràng, gồm: thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, lệ phí (nếu có) và quy trình tiếp nhận. Việc công khai thủ tục giúp người dân chủ động hơn khi thực hiện các giao dịch hành chính.
Ngoài ra, nhiều phường đã triển khai ứng dụng mã QR để tra cứu thủ tục nhanh chóng, tích hợp hệ thống theo dõi tiến độ hồ sơ điện tử – một bước tiến trong việc minh bạch hóa hành chính công. Không chỉ dừng lại ở sự ổn định về mặt tổ chức, những ngày đầu triển khai mô hình mới còn cho thấy sự chuyên nghiệp vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức phường. Phần lớn người dân đến làm việc đều đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, thái độ tiếp dân tận tình, giải thích rõ ràng và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận chức năng. Một điểm nhấn đáng ghi nhận là sự chủ động ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính. Tại phường Bà Nà hay Hòa Khánh, thành phố thí điểm triển khai trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ tra cứu thủ tục bằng giọng nói, hướng dẫn tự động và tích hợp số hóa quy trình hành chính. Các trung tâm đều được đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, kết nối dữ liệu thống nhất trên toàn thành phố, giúp tăng tính linh hoạt và chính xác khi giải quyết hồ sơ.
Việc vận hành chính quyền hai cấp tại TP. Đà Nẵng trong những ngày đầu đã cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đồng bộ từ cấp thành phố đến từng phường, xã. Dù là bước chuyển đổi lớn, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, nhưng thành phố đã đảm bảo các hoạt động hành chính công vẫn diễn ra trơn tru, minh bạch và chuyên nghiệp – đúng với tinh thần “Chính quyền phục vụ nhân dân”. Trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số, Đà Nẵng một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong bằng cách triển khai hiệu quả một mô hình mới, với mục tiêu cuối cùng là: đưa dịch vụ công đến gần dân hơn, thuận tiện hơn, minh bạch hơn.