Luật sư Lê Ngô Hoài Phong trả lời:
Theo nội dung ông Tứ hỏi thì đây là hình thức vay tín chấp (bên vay không thế chấp tài sản cho bên cho vay mà chỉ cần cung cấp một số giấy tờ nhân thân như: CMND, hộ khẩu...). Tuy nhiên, trách nhiệm trả nợ của bên vay đối với bên cho vay ở hai hình thức tín chấp và thế chấp là như nhau. Cụ thể được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định).
Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
Như vậy, em trai của ông đã vay tiền của ngân hàng, khi đến hạn theo hợp đồng thỏa thuận giữa ngân hàng và em trai ông, thì em trai ông phải có trách nhiệm thanh toán tiền nợ gốc và lãi. Nếu em trai ông không có khả năng thanh toán và trong hợp đồng có nội dung về việc bảo lãnh thì người bảo lãnh phải có trách nhiệm thanh toán. Pháp luật quy định về trách nhiệm của người bảo lãnh như sau: Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong trường hợp này, nếu ông không ký văn bản cam kết với ngân hàng về việc ông bảo lãnh khoản vay của em trai ông, việc đưa số điện thoại của ông vào hợp đồng chỉ là hành động tự ý của em trai ông thì ông không liên quan gì đến việc cho vay giữa ngân hàng và em trai ông; ông không có trách nhiệm phải trả bất cứ phần nào trong số tiền nợ vay này. Vì vậy, việc ngân hàng yêu cầu ông thanh toán nợ thay cho em trai ông là không có cơ sở. Nếu ngân hàng còn tiếp tục gọi điện làm phiền, ông có thể đề nghị chính quyền địa phương can thiệp.
Bài viết được đăng trên báo điện tử Công an Đà Nẵng ngày 04/3/2019.
================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ LÊ NGÔ HOÀI PHONG
PHONG & PARTNERS LAW FIRM
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, thành phố Đà Nẵng
Tel: 0236.3822678 – 0905102425
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/