Nội dung tư vấn:
Cảm ơn Quý khách đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Văn phòng Luật sư Lê Ngô Hoài Phong (Phong & Partners). Sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi có những trao đổi về vấn đề pháp lý của bạn như sau:
Thứ nhất, khi xử lý hình sự đối với trường hợp bên bị hại rút đơn, cơ sở pháp luật dùng để điều chỉnh:
+ Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
+ Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021;
+ Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ hai, về việc Gây ra tai nạn giao thông nhưng có giấy bãi nại thì có ra toà xét xử và có phải chấp hành hình phạt tù.
Theo lẽ thông thường, nạn nhân (tức người bị hại) trong vụ án nào đó mà họ có đơn bãi nại tức là họ không yêu cầu khởi tố hoặc rút đơn khởi tố, không có yêu cầu các cơ quan chức năng tiếp tục can thiệp vụ án. Nhưng trong một số trường hợp nhất định thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào yêu cầu của bên nạn nhân (tức người bị hại).
Mặc dù vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng nếu có giấy bãi nại thì đó được coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp của bạn, lỗi thuộc về bạn đã có hơi men trong người còn điều khiển xe gây ra hành vi vi phạm giao thông.
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:
“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;”
Trường hợp của bạn là trường hợp tham gia giao thông đường bộ nhưng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn đến gây thiệt hại cho người khác gây ra hậu quả làm chết người. Theo như quy định trên, khung hình phạt áp dụng đối với bạn là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Do đó, bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định trên.
Bên cạnh đó, bạn còn phải bồi thường chi phí cho nạn nhân (tức người bị hại) theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.
“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”
Về vấn đề bãi nại, dù trường hợp bên thân nhân của nạn nhân (tức người bị hại) đã ký đơn bãi nại thì người có hành vi vi phạm pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mình gây ra theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2021 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại:
“1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
2. Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
3. Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”
Tóm lại, trong trường hợp của bạn, dù bên nạn nhân có rút đơn thì bạn vẫn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Tố tụng hình sự đối với tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phong & Partners liên quan đến vấn đề pháp lý của Quý khách trên cơ sở tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan. Nếu cần hiểu rõ và cụ thể hơn, bạn có thể gửi email, điện thoại hoặc đến văn phòng để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ luật sư của Phong & Partners.
===================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425
CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624
CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099
CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269
Tel: 0236.3822678
Email: phongpartnerslaw@gmail.com