*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Tiền lương là số tiền theo thỏa thuận được người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc dưới sự chỉ đạo và quản lý của người sử dụng lao động. Việc người sử dụng lao động giữ lương, trả lương không đúng hạn hoặc không trả lương cho người lao động không chỉ vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động mà còn gây ra những khó khăn lớn trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày của họ. Đặc biệt đối với người lao động nước ngoài, do rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa khiến họ khó nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật lao động tại Việt Nam, từ đó gặp nhiều khó khăn hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khoản 1 Điều 94 và Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về vấn đề trả lương cụ thể như sau:
Điều 94. Nguyên tắc trả lương
1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Điều 97. Kỳ hạn trả lương
4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Tại Khoản 2 và 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm quy định về tiền lương như sau:
2. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm; không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; không trả hoặc trả không đủ tiền lương theo quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động hoặc trong thời gian đình công; không trả hoặc trả không đủ tiền lương của người lao động trong những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm khi người lao động thôi việc, bị mất việc làm; không tạm ứng hoặc tạm ứng không đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định của pháp luật; không trả đủ tiền lương cho người lao động cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc trong trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
đ) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
...
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này;”
Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định này thì với hành vi vi phạm về tiền lương thì, mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân.
Theo các quy định trên, người sử dụng lao động có nghĩa vụ thanh toán lương cho người lao động trực tiếp, đầy đủ và đúng hạn theo thỏa thuận. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Như vậy, Công ty X. không được quyền giữ lương của người lao động dưới bất kỳ trường hợp nào nếu không có sự đồng ý của người lao động mà phải có trách nhiệm phải trả đủ tiền cho họ. Do đó, việc công ty này giữ 2 tháng lương của chị vì lý do nội bộ mà không có sự đồng ý của chị là trái quy định pháp luật. Tùy mức độ vi phạm, Công ty X. có thể bị xử phạt hành chính lên đến là 100.000.000 đồng.
Điểm b khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động như sau:
Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động trả lương không đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
Như vậy, do Công ty X. đã không thanh toán lương cho chị trong 2 tháng nên chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước.
Trong trường hợp của chị Saral, chị có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây để thực hiện các bước cần thiết nhằm yêu cầu Công ty X. thanh toán lương cho chị một cách hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
Bước 1: Thương lượng với người sử dụng lao động
Để giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa, nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình, chị nên liên hệ làm việc trực tiếp với ban lãnh đạo công ty. Trong quá trình làm việc, chị nhấn mạnh rằng hành vi giữ lương và thanh toán lương không đúng hạn của công ty là trái quy định pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính nếu chị báo cáo đến Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng. Đồng thời yêu cầu Công ty X. nhanh chóng trả lương cho chị để tránh đẩy sự việc đi xa hơn và tránh các rủi ro trách nhiệm pháp lý.
Bước 2: Khiếu nại theo quy định
Đối với các tranh chấp về vấn đề tiền lương, người lao động có thể thực hiện khiếu nại theo quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP. Theo đó, người lao động phải khiếu nại lần lượt như sau:
Thực hiện việc khiếu nại lần đầu bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động (công ty) yêu cầu giải quyết tiền lương. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được hành vi không trả tiền lương của công ty.
Nếu không được giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì có thể thực hiện khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành - nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xác minh người sử dụng lao động có hành vi vi phạm, thanh tra lao động sẽ tiến hành xử phạt và yêu cầu công ty giải quyết đầy đủ quyền lợi cho người lao động.
Bài viết được đăng trên Báo Công an Đà Nẵng ngày 27/8/2024.
===========================
HỆ THỐNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Địa chỉ: Tầng 9, Tòa nhà K&M, 33 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0905.503.678
Email: phongpartnerslaw.hcmc@gmail.com
LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI ĐÀ NẴNG
1. Phong & Partners tại Hải Châu - Thanh Khê
Địa chỉ: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Điện thoại: 02363 822 678 - 0905 102 425
2. Phong & Partners tại Sơn Trà
Địa chỉ: 01 Đông Giang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0905 205 624
3. Phong & Partners tại Liên Chiểu
Địa chỉ: 223 Nguyễn Sinh Sắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0961 283 093
4. Phong & Partners tại Ngũ Hành Sơn
Địa chỉ: 03 Chu Cẩm Phong, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0905 579 269
5. Phong & Partners tại Cẩm Lệ - Hòa Vang
Địa chỉ: 346 Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0901 955 099
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Website: https://phong-partners.com
Fanpage: https://www.facebook.com/phongpartnerslaw
https://www.facebook.com/luatsugioinguhanhson
https://www.facebook.com/luatsusontra