Một vấn đề pháp lý đặt ra là những người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản từ người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi (sau đây gọi là “người cho”) có được hưởng thừa kế theo pháp luật từ người cho không? Luật sư Phan Thụy Khanh - Phó Trưởng văn phòng Luật sư Lê Ngô Hoài Phong kiêm Trưởng Chi nhánh Sơn Trà, chia sẻ thêm về vấn đề này để bạn đọc hiểu rõ.
Luật sư Phan Thụy Khanh
Thế nào là sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản?
Theo khoản 21, Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, “Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm”. Có thể hiểu một cách đơn giản, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật y học hiện đại để tác động vào quá trình thụ thai để giúp người phụ nữ có thai. Hiện nay có hai phương pháp chính được áp dụng: thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh nhân tạo là phương pháp được tiến hành bằng cách bơm tinh trùng của người chồng hoặc người cho tinh trùng vào buồng tử cung của người phụ nữ ở thời điểm rụng trứng để tạo phôi. Thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi; theo phương pháp này, trứng và tinh trùng được thụ tinh bên ngoài cổ tử cung của người phụ nữ.
Quy định của pháp luật về thừa kế
Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Theo quy định trên, có thể thấy pháp luật đã liệt kê cụ thể những người được thừa kế theo pháp luật và hàng thừa kế.
Với trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định như sau:
“Điều 93. Xác định cha, mẹ trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
3. Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.”
Như vậy, người con được sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản sẽ không có quan hệ cha, mẹ, con với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi. Nói cách khác, những đứa trẻ được sinh ra từ việc nhận tinh trùng, noãn, phôi không phải là con đẻ hay con nuôi của người cho. Do đó, người con không được hưởng thừa kế theo pháp luật của người cho và ngược lại; trừ trường hợp người con được sinh ra bằng cách thụ tinh giữa tinh trùng của người chồng và noãn của người vợ, người con lúc này sẽ được xác định là con chung của vợ, chồng theo quy định tại Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Việc người con sinh ra bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không được nhận thừa kế theo pháp luật từ người cho là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc vô danh trong việc cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, bảo vệ đời tư cho cả người cho và người nhận.
Vậy có cách thức nào để người con sinh ra bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể hưởng thừa kế từ người cho và ngược lại? Luật sư Khanh tư vấn như sau:
Cách thức để người con được hưởng thừa kế từ người cho và ngược lại
Để người con và người cho có thể được hưởng di sản thừa kế của nhau, cần thực hiện thủ tục xác lập quan hệ cha/mẹ - con hoặc lập di chúc. Cụ thể là:
Người cho và người con thực hiện thủ tục đăng ký nhận con nuôi – cha/mẹ nuôi.
Lúc này, các bên có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật như quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự đã trích dẫn ở trên; hoặc
Người cho hoặc người con lập di chúc để lại di sản cho người cho hoặc người con.
Bài viết được đăng trên Báo công an Đà Nẵng ngày 21/01/2023.
=========================
HỆ THỐNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI ĐÀ NẴNG
1. Phong & Partners tại Hải Châu - Thanh Khê
Địa chỉ: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
Điện thoại: 02363 822 678 - 0905 102 425
2. Phong & Partners tại Sơn Trà
Địa chỉ: 01 Đông Giang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0905 205 624
3. Phong & Partners tại Liên Chiểu
Địa chỉ: 21 Trương Văn Đa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0961 283 093
4. Phong & Partners tại Ngũ Hành Sơn
Địa chỉ: 03 Chu Cẩm Phong, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0905 579 269
5. Phong & Partners tại Cẩm Lệ - Hòa Vang
Địa chỉ: 346 Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0901 955 099
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Website: https://phong-partners.com
Fanpage: https://www.facebook.com/phongpartnerslaw
https://www.facebook.com/luatsugioinguhanhson
https://www.facebook.com/luatsusontra
https://www.facebook.com/luatsuquanlienchieu