Điều 93 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.”.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật có nhiều nguồn chứng cứ khác nhau từ những dữ liệu điện tử, vật chứng cho đến lời khai của người làm chứng…Trong các nguồn chứng cứ để xác định yêu cầu đòi nợ thì tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Các tài liệu này có thể được Tòa án sử dụng làm chứng cứ nếu thỏa mãn được những yêu cầu nhất định. Theo khoản 2 Điều 95 BLTTDS 2015 và điểm b khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP của HĐTP TANDTC thì, các tài liệu nghe được, nhìn được phải được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó. Nếu không xuất trình các văn bản trên thì tài liệu nghe được, nhìn được mà đương sự giao nộp không được coi là chứng cứ, không có giá trị pháp lý. Khi đó, Hội đồng xét xử chỉ có thể dùng những tài liệu này để tham khảo trong quá trình giải quyết vụ việc.
Trong thực tiễn xét xử, nếu các bên thừa nhận giọng nói trong bản ghi âm là của mình, thừa nhận nội dung trao đổi trong bản ghi âm là đúng sự thật thì Tòa án công nhận bản ghi âm là chứng cứ. Tuy nhiên, trên thực tế, con nợ cố tình không thừa nhận giọng nói của mình, không thừa nhận nội dung trao đổi và cũng không cung cấp giọng nói để giám định. Ngoài ra, chủ nợ cũng gặp khó khăn trong việc cung cấp xuất xứ của các bản ghi âm và văn bản chứng minh. Chính những điều này gây cản trở trong quá trình thu hồi nợ của chủ nợ.
Chính vì thế, để đảm bảo quyền và lợi ích của mình, khi cho vay, mượn cần lập thành văn bản có đầy đủ chữ ký, điểm chỉ hoặc công chứng, chứng thực.
Nếu cần hiểu rõ và cụ thể hơn, bạn có thể mail hoặc điện thoại để được tư vấn bởi đội ngũ Luật sư của PHONG & PARTNERS.
===================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425
CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624
CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099
CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269
Tel: 0236.3822678
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com/