Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Sau khi tìm hiểu các quy định pháp luật có liên quan, chúng tôi có những trao đổi về vấn đề pháp lý của bạn như sau:
1. Quy định pháp luật:
Điều 53 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại quy định:
"1. Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc một cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
2. Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.
Trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.
3. Thời hiệu, thủ tục yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự”
2. Nội dung tư vấn
Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp nội dung của bản án/quyết định thi hành án có nhiều khoản do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì bạn có quyền được yêu cầu nhiều Văn phòng thừa phát lại cùng tham gia vào giải quyết. Tuy nhiên, với mỗi đơn vị chỉ được đảm nhận một nội dung thi hành riêng biệt không trùng lặp với nhau.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phong & Partners liên quan đến vấn đề pháp lý của Quý khách trên cơ sở tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan. Nếu cần hiểu rõ và cụ thể hơn, bạn có thể gửi email, điện thoại hoặc đến văn phòng để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ luật sư của Phong & Partners.