1. Quy định pháp luật:
Căn cứ theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì chế độ bảo hiểm cho người lao động gồm có ba loại là Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ nhất, về Bảo hiểm xã hội:
Điểm a, điểm b, điểm c Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
c) Cán bộ, công chức, viên chức;”
Khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.”
Thứ hai, về Bảo hiểm y tế:
Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định:
“6. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
c) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
…”
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật bảo hiểm y tế quy định:
“Điều 2. Nhóm do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng
1. Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.”
Khoản 2 Điều 84 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:
“Điều 84. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội
2. Đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.”
Thứ ba, về Bảo hiểm thất nghiệp:
Khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định:
“Điều 43. Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.”
2. Phân tích, đánh giá:
Theo như nội dung câu hỏi của chị thì chú A đã 65 tuổi, tức là đã đến tuổi nghỉ hưu và chú A đang được hưởng lương hưu. Căn cứ theo những quy định pháp luật vừa nêu trên, chú A ký kết hợp đồng lao động với công ty của chị khi đang được hưởng lương hưu nên không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp. Chú A thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế nhưng sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
3. Kết luận:
Như vậy, vì chú A không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế của chú A sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng nên doanh nghiệp của chị không phải đóng các loại bảo hiểm đó cho chú A.
Trên đây là nội dung tư vấn của Phong & Partners liên quan đến vấn đề pháp lý của Quý khách trên cơ sở tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan. Nếu cần hiểu rõ và cụ thể hơn, bạn có thể gửi email, điện thoại hoặc đến văn phòng để được tư vấn trực tiếp bởi đội ngũ Luật sư của Phong & Partners.