Đầu tư vào Việt Nam đã trở thành một xu hướng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây. Với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, lực lượng lao động trẻ và năng động, cùng với vị trí chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam mang đến nhiều cơ hội đầu tư đa dạng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, nhà đầu tư cần nắm rõ các quy định pháp lý cũng như điều kiện thị trường tại Việt Nam. Bài viết này sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về những điều mà các nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý khi đầu tư vào Việt Nam, từ việc hiểu biết về thị trường cho đến các bước thực hiện đầu tư và các yếu tố tài chính quan trọng.
1. Ưu điểm nổi bật khi đầu tư tại Việt Nam
a. Ưu điểm nổi bật
Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở Đông Nam Á, trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ những lợi thế vượt trội sau:
- Nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, với GDP tăng trưởng tương đối cao qua từng năm.
- An ninh, chính trị ổn định tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động đầu tư lâu dài.
- Vị trí địa lý không chỉ thuận lợi cho giao thương toàn cầu mà còn là cửa ngõ kết nối các nền kinh tế lớn trong khu vực.
- Lực lượng lao động trẻ, dồi dào, có chất lượng, với chi phí lao động rất cạnh tranh.
- Đặc biệt, sự tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và cộng đồng kinh tế ASEAN mở ra cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn và hội nhập kinh tế thế giới.
- Cùng với đó, việc không ngừng hoàn thiện thể chế và minh bạch hóa môi trường kinh doanh giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ đầu tư, đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài ngoài dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
b. Lĩnh vực thu hút đầu tư
Công nghệ thông tin: Trong kỷ nguyên số hóa, Việt Nam là điểm đến thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn lớn trên toàn cầu. Các lĩnh vực đầu tư chính bao gồm phát triển phần mềm, sản xuất phần cứng, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, công nghệ tài chính, thương mại điện tử, an ninh mạng và giải pháp thành phố thông minh… Sự kết hợp giữa nhân tài kỹ thuật, chi phí hiệu quả và các ưu đãi từ chính phủ, Việt Nam không chỉ tạo nền tảng vững chắc mà còn mở ra cơ hội bứt phá cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ngành sản xuất: Ngành sản xuất vẫn là trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Với vị trí địa lý thuận lợi và chi phí lao động cạnh tranh, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu cho các ngành công nghiệp như điện tử, dệt may và giày dép…
Thực phẩm và đồ uống (F&B): Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của Việt Nam đang trải qua quá trình mở rộng nhanh chóng, nhờ vào sở thích thay đổi của người tiêu dùng, quá trình đô thị hóa và thu nhập khả dụng tăng. Các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực F&B trải dài trên nhiều danh mục, bao gồm chế biến thực phẩm, giao đồ ăn, dịch vụ thực phẩm và sản xuất đồ uống… Mỗi lĩnh vực này đều có tiềm năng tăng trưởng và đổi mới riêng.
Logistics và quản lí chuỗi cung ứng: Với sự phát triển của thương mại điện tử và thương mại quốc tế, ngành logistics tại Việt Nam đang trải qua sự mở rộng nhanh chóng. Các khoản đầu tư chủ yếu tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng như kho bãi và mạng lưới vận tải để hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả.
Ngành ô tô: Ngành công nghiệp ô tô đang có đà phát triển khi Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất cho xe cộ và linh kiện ô tô. Với nhu cầu nội địa ngày càng tăng và sự hỗ trợ của chính phủ đối với xe điện (EV), ngành này mang lại nhiều cơ hội đầu tư đáng kể cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
2. Điều kiện tiếp cận thị trường khi đầu tư tại Việt Nam
Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Đầu tư 2020, điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện NĐTNN phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Khoản 2 Điều 9 của Luật Đầu tư.
Theo đó, Điều 9 Luật đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:
- Đối với ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo Mục A Phụ lục I của Nghị định 31: NĐTNN không được đầu tư;
- Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện theo Mục B Phụ lục I của Nghị định 31: NĐTNN phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia; và
- Đối với các ngành, nghề chưa cam kết tiếp cận thị trường: NĐTNN được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
- Hình thức đầu tư;
- Phạm vi hoạt động đầu tư;
- Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư;
- Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Các hình thức đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư dưới đây theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được nêu ra tại mục 2
a. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam
Đối với nhà đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư phải có dự án đầu tư, nghĩa là phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng một số quy định cụ thể của pháp luật về ngành nghề, tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động đầu tư, năng lực của nhà đầu tư và đối tác tham gia đầu tư....
Loại hình Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) và Công ty cổ phần (CTCP) là loại hình doanh nghiệp phổ biến mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn khi đầu tư tại Việt Nam. Hình thức này phù hợp với các nhà đầu tư là cá nhân, công ty đã thành lập hợp pháp tại nước ngoài và muốn thâm nhập thị trường Việt Nam.
b. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác tại Việt Nam
Theo quy định pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần góp vốn của tổ chức kinh tế đã thành lập hợp pháp tại Việt Nam thông qua các hình thức sau:
- Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
- Đầu tư góp vốn vào công ty TNHH, công ty hợp danh hoặc tổ chức kinh tế khác;
- Mua cổ phần của Công ty cổ phần từ công ty hoặc các cổ đông;
- Mua lại phần góp vốn của thành viên Công ty trách nhiệm hữu hạn;
- Mua lại phần vốn góp của thành viên góp vốn trong Công ty hợp danh;
- Mua lại phần vốn góp của thành viên Tổ chức kinh tế khác ngoài các trường hợp nêu trên.
Lưu ý: Đối với một số ngành nghề kinh doanh, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ bị hạn chế. Do đó, để thực hiện loại hình đầu tư này, nhà đầu tư nên tìm kỹ tổ chức kinh tế mà mình dự định hợp tác đầu tư bao gồm việc được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, ngành nghề kinh doanh phù hợp với nhu cầu mà nhà đầu tư nước ngoài dự định thực hiện và tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài…
c. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC tại Việt Nam
Đầu tư theo hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là thực hiện hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư để hợp tác trong kinh doanh, chia sẻ lợi nhuận và phân phối sản phẩm theo quy định pháp luật mà không cần thành lập một tổ chức kinh tế.
Hợp đồng BCC có thể được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài, để thực hiện đầu tư vào các hoạt động kinh doanh giúp tiết kiệm thời gian và chi phí vì không cần phải thành lập một tổ chức kinh tế.
Tuy nhiên, vì không thành lập tổ chức kinh tế, các bên sẽ không có con dấu chung. Đây là một bất cập vì trong một số trường hợp, yêu cầu có con dấu cho từng tài liệu cụ thể.
4. Ưu đãi đầu tư khi đầu tư tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các ưu đãi được dành cho cả các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh và tại các khu vực địa lý nhất định.
a. Các hình thức ưu đãi đầu tư
Căn cứ Khoản 1 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, các hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm:
- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;
- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.
b. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư
- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định tại Phụ lục II của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
- Dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Phụ lục III của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
- Dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 6.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng ưu đãi đầu tư khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) hoặc Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (đối với dự án không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư);
- Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng từ 3.000 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu.
- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng).
- Dự án đầu tư sử dụng từ 30% số lao động thường xuyên bình quân hằng năm trở lên là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật và pháp luật về lao động.
- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao; cơ sở ươm tạo công nghệ và cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệp; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường là các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở, dự án đầu tư đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ; công nghệ cao; chuyển giao công nghệ; bảo vệ môi trường.
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển gồm:
- Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
- Trung tâm đổi mới sáng tạo khác do cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập nhằm hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, thành lập doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thực hiện hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển tại trung tâm đáp ứng điều kiện pháp luật quy định;
- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật;
- Dự án thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển.
- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
c. Nguyên tắc hưởng ưu đãi đầu tư
Luật Đầu tư 2020 đưa ra các điều kiện cụ thể để dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo hướng có chọn lọc, đúng đối tượng, hợp lý, tối đa hóa lợi ích cho nhà đầu tư nhưng phải phù hợp với các chính sách xã hội, kinh tế của Nhà nước. Theo quy định tại Khoản 6 và Khoản 7 Điều 15 Luật Đầu tư 2020, ưu đãi đầu tư được thực hiện theo nguyên tắc sau:
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
- Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư.
- Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau, bao gồm cả ưu đãi đầu tư đặc biệt thì được áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.
5. Các tài liệu cần chuẩn bị khi đầu tư tại Việt Nam
Trước khi thực hiện đầu tư tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết. Đặc biệt, các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải được dịch sang tiếng Việt và hợp pháp hóa lãnh sự để đảm bảo tính hợp lệ khi sử dụng tại Việt Nam, cụ thể bao gồm:
a. Giấy tờ cần thiết cho nhà đầu tư cá nhân
- Bản sao Hộ chiếu (cần được dịch công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự tại cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam nếu ở nước ngoài);
- Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tương ứng với vốn dự kiến đầu tư tại Việt Nam (nếu là ngân hàng nước ngoài, cần cung cấp bản sao công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự);
- Hợp đồng thuê trụ sở và giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của bên cho thuê).
b. Giấy tờ cần thiết cho nhà đầu tư tổ chức
- Bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương xác nhận tư cách pháp lý của tổ chức (cần dịch công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự);
- Báo cáo tài chính của nhà đầu tư trong 2 năm gần nhất hoặc cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ;
- Hộ chiếu công chứng của người đại diện theo pháp luật tại Việt Nam;
- Điều lệ công ty nước ngoài (cần công chứng và hợp pháp hóa lãnh sự);
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, và danh sách thành viên/cổ đông sáng lập.
c. Các giấy tờ khác
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC) đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư;
- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư cụ thể mà nhà đầu tư muốn thực hiện.
6. Các chi phí liên quan khi đầu tư tại Việt Nam
a. Yêu cầu về vốn
- Vốn đầu tư tối thiểu: Tùy thuộc vào ngành nghề và hình thức đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài có thể phải đáp ứng yêu cầu về vốn tối thiểu hoặc đạt được thỏa thuận với các bên về mức vốn đầu tư tối thiểu.
- Chi phí thành lập công ty: Chi phí này có thể dao động tùy theo khu vực. Theo thông tin từ các dịch vụ thành lập công ty, chi phí thành lập công ty có vốn nước ngoài tại miền Bắc và miền Nam thường dao động từ 15 triệu đến 30 triệu đồng, trong khi miền Trung khoảng 25 triệu đồng.
- Vốn lưu động: Nhà đầu tư cần chuẩn bị một khoản vốn lưu động để đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp trong giai đoạn khởi đầu. Khoản này thường bao gồm chi phí cho nhân sự, thuê mặt bằng, nguyên vật liệu, và các chi phí vận hành khác.
Thời hạn và phương thức góp vốn: Luật Doanh nghiệp mới quy định thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp (ERC) – đối với hình thức hình thức thành lập tổ chức kinh tế. Nếu thành viên không góp đủ phần vốn và loại tài sản đã cam kết thì Công ty thực hiện điều chỉnh vốn điều lệ và/hoặc tỷ lệ góp vốn theo thực tế. Vốn góp có thể bằng tiền mặt, máy móc, bằng sáng chế,...
b. Yêu cầu về thuế
- Thuế suất đối với thu nhập đầu tư vốn: Mức thuế suất áp dụng cho thu nhập từ đầu tư vốn là 5% theo biểu thuế toàn phần. Điều này áp dụng cho cả cá nhân cư trú và không cư trú khi có thu nhập từ việc đầu tư vào các tổ chức tại Việt Nam. (Căn cứ Khoản 2 Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC);
- Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Mức thuế GTGT là 10% áp dụng cho hầu hết hàng hóa và dịch vụ. Một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể được áp dụng mức thuế suất 0% và 5%
(Tham khảo chi tiết tại Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013, Điều 1 Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế sửa đổi 2016, Điều 3 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014) và Nghị quy định về thuế suất thuế GTGT).
- Các loại thuế khác: Ngoài thuế đối với thu nhập đầu tư vốn và thuế GTGT, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến các loại thuế khác như thuế môn bài, thuế chuyển nhượng vốn, và các khoản phí liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Thời hạn nộp tờ khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế, chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
7. Sự cần thiết của việc thuê Luật sư cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đi kèm với không ít thách thức pháp lý. Dưới đây là những lý do quan trọng mà nhà đầu tư nên xem xét việc thuê luật sư khi tham gia vào thị trường Việt Nam:
- Hiểu biết về quy định pháp luật: Luật pháp Việt Nam có nhiều quy định phức tạp liên quan đến đầu tư nước ngoài, bao gồm các điều kiện, thủ tục và giấy tờ cần thiết để thành lập doanh nghiệp. Luật sư có kinh nghiệm sẽ giúp nhà đầu tư hiểu rõ các quy định này, từ đó tránh được những sai sót có thể dẫn đến rắc rối pháp lý hoặc thiệt hại tài chính.
- Hỗ trợ trong thủ tục hành chính: Thủ tục hành chính để thành lập công ty và xin các giấy phép đầu tư tại Việt Nam có thể rất phức tạp và mất thời gian. Luật sư sẽ hỗ trợ nhà đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các thủ tục cần thiết và giao tiếp với các cơ quan nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho nhà đầu tư.
- Tư vấn chiến lược đầu tư: Luật sư không chỉ giúp về mặt pháp lý mà còn có thể cung cấp tư vấn chiến lược đầu tư phù hợp với mục tiêu kinh doanh của nhà đầu tư. Họ có thể phân tích thị trường, đánh giá rủi ro và đề xuất các phương án tối ưu hóa lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro pháp lý.
- Giải quyết tranh chấp: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, nhà đầu tư có thể gặp phải tranh chấp với đối tác, khách hàng hoặc cơ quan nhà nước. Luật sư sẽ là người đại diện cho nhà đầu tư trong các vụ kiện tụng hoặc thương lượng giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ một cách hiệu quả.
- Cập nhật thông tin pháp lý: Luật pháp và quy định tại Việt Nam thường xuyên thay đổi. Việc thuê luật sư giúp nhà đầu tư luôn được cập nhật thông tin mới nhất về các thay đổi pháp lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ, từ đó điều chỉnh chiến lược kịp thời để phù hợp với môi trường pháp lý.
8. Văn phòng Luật sư Phong & Partners chuyên cung cấp dịch dịch vụ tư vấn, thực hiện thủ tục đầu tư cho người nước ngoài đầu tư tại Việt Nam
Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài nhờ vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và môi trường đầu tư ngày càng cải thiện. Tuy nhiên, việc đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không phải là điều dễ dàng. Các nhà đầu tư nước ngoài thường gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý phức tạp và các yêu cầu khắt khe từ chính phủ. Để vượt qua những khó khăn này, nhiều công ty/cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến sự hỗ trợ từ các công ty dịch vụ có uy tín tại Việt Nam để ủy quyền cho quá trình thành lập doanh nghiệp.
Văn phòng Luật sư Phong & Partners cung cấp dịch vụ toàn diện về tư vấn, soạn thảo, đại diện thực hiện thủ tục đầu tư tại Việt Nam, giúp các nhà đầu tư vượt qua những rào cản pháp lý và tối ưu hóa cơ hội thành công trong môi trường kinh doanh đầy tiềm năng này, bao gồm nhưng không giới hạn các công việc sau:
Tư vấn về điều kiện, trình tự, thủ tục
- Tư vấn về ngành nghề kinh doanh và tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành nghề đó.
- Tư vấn về hình thức đầu tư và điều kiện, trình tự, thủ tục để đầu tư Việt Nam;
- Tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ và ưu đãi thuế cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam;
- Tư vấn các vấn đề liên quan đến các rủi ro có thể phát sinh và các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư;
- Tư vấn về các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động kinh doanh tại khu vực.
- Tư vấn các vấn đề khác liên quan sau khi đầu tư vào Việt Nam.
Soạn thảo và đại diện thực hiện thủ tục đầu tư
- Soạn thảo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty
- Đại diện làm việc các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để thực hiện thủ tục xin cấp các giấy phép.
- Soạn thảo, hiệu chỉnh các hợp đồng thuê địa điểm…
- Hướng dẫn công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự các hồ sơ.