Di chúc là gì? Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết, được thể hiện dưới hình thức di chúc miệng hoặc di chúc bằng văn bản.
Hủy di chúc là gì? Hủy di chúc là việc người để lại di chúc thông qua hành vi pháp lý hợp pháp để tuyên bố tiêu hủy hoặc không công nhận các di chúc do mình đã lập trước đó, bao gồm cả di chúc miệng, di chúc bằng văn bản có hoặc không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản đã được công chứng.
Di chúc đã được công chứng là gì? Di chúc đã được công chứng là di chúc được lập bằng văn bản và đã được công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng công chứng di chúc là hợp pháp.
Hủy di chúc đã được công chứng tại Đà Nẵng là thủ tục yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng tại Đà Nẵng hủy di chúc đã được công chứng trước đó.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, đối với di chúc bằng văn bản, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Đối với di chúc đã được công chứng, người yêu cầu còn phải tuân thủ theo quy định của Luật Công chứng 2014, cụ thể:
Người yêu cầu công chứng việc huỷ bỏ di chúc phải là cá nhân mà có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và người đó phải minh mẫn, sáng suốt trong lúc yêu cầu huỷ di chúc; người đó không bị đe doạ, cưỡng ép.
Người lập di chúc muốn huỷ bỏ di chúc sẽ phải tự mình yêu cầu công chứng huỷ bỏ di chúc, vấn đề này không được phép uỷ quyền cho người khác thực hiện.
Phải tiến hành hủy ở tổ chức hành nghề công chứng (Phòng Công chứng hoặc Văn phòng Công chứng tại Đà Nẵng).
Tham khảo: Danh sách VPCC (https://toplawvietnam.com/)
Trường hợp người yêu cầu hủy di chúc không phải là người lập di chúc, xem HƯỚNG DẪN THỦ TỤC KHỞI KIỆN HỦY DI CHÚC ĐÃ CÔNG CHỨNG TẠI ĐÀ NẴNG.
Theo Điều 40 Luật Công chứng 2014, thành phần hồ sơ yêu cầu hủy di chúc đã được công chứng gồm các loại giấy tờ sau:
Phiếu yêu cầu công chứng tại trụ sở hoặc Phiếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở (nếu có) (theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng);
Dự thảo Văn bản hủy bỏ di chúc (Tải về tại đây)
Bản chính Giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn thời hạn và giá trị sử dụng;
Bản chính Di chúc đã được công chứng của người yêu cầu.
Bước 1: Soạn hồ sơ theo hướng dẫn nêu trên và Nộp hồ sơ:
Người yêu cầu công chứng hoàn thiện hồ sơ và nộp trực tiếp tại trụ sở tổ chức hành nghề công chứng
Bước 2: Tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ:
Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
Công chứng viên giải thích cho người yêu cầu hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc hủy bỏ di chúc.
Trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, có dấu hiệu bị đe dọa, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
Bước 3: Thực hiện công chứng:
Trường hợp người yêu cầu có dự thảo văn bản hủy bỏ di chúc: Công chứng viên kiểm tra dự thảo; nếu trong dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không phù hợp với quy định của pháp luật thì người yêu cầu sửa chữa theo yêu cầu của công chứng viên. Nếu không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
Trường hợp người yêu cầu không có dự thảo văn bản hủy bỏ di chúc: Công chứng viên soạn thảo văn bản theo yêu cầu của người yêu cầu trong trường hợp nội dung là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Người yêu cầu tự đọc lại dự thảo văn bản hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu nghe theo đề nghị của người yêu cầu.
Người yêu cầu đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo văn bản thì ký vào từng trang của văn bản. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu xuất trình bản chính của các giấy tờ bản sao để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản.
Công chứng viên ghi lời chứng, ký và đóng dấu.
Bước 4: Trả kết quả:
Công chứng viên chuyển hồ sơ cho bộ phận văn thư đóng dấu, lấy số công chứng, thu phí, thù lao công chứng, chi phí khác theo quy định, trả hồ sơ và lưu trữ hồ sơ công chứng.
Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; trường hợp văn bản hủy bỏ di chúc có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Theo Điều 4.3 Mục 6 Thông tư 257/2016/TT-BTC, phí công chứng việc huỷ bỏ di chúc là 25.000 đồng. Ngoài khoản phí công chứng, người lập di chúc còn có thể phải trả thêm thù lao công chứng theo quy định của từng Văn phòng/Phòng công chứng nhưng không được cao hơn hạn mức do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
Theo khoản 3 Điều 56 Luật Công chứng 2014, công chứng viên thực hiện công chứng huỷ di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì họ có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào để thực hiện mà không nhất thiết phải là công chứng viên đã chứng bản di chúc đã lập trước đó.
Trường hợp di chúc trước đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng nào đó thì người lập di chúc sẽ phải thông báo cho chính tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết về việc hủy bỏ di chúc đó.
Theo Điều 640 Bộ luật Dân sự, sau khi lập di chúc người để lại di sản hoàn toàn có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ di chúc đã lập trước đó. Đặc biệt, theo khoản 3 Điều 640 Bộ luật Dân sự, trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị huỷ bỏ. Có thể thấy, chỉ có quy định về việc lập di chúc mới thì di chúc cũ bị huỷ bỏ mà không có quy định việc yêu cầu người lập di chúc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc đã lập.
Theo Khoản 5 Điều 643 Bộ luật Dân sự, khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực
Căn cứ vào các quy định trên, khi lập di chúc mới thì chỉ có di chúc mới có hiệu lực, các di chúc cũ được lập trước đó sẽ không còn hiệu lực. Và người lập di chúc cũng không bắt buộc phải thực hiện thủ tục huỷ bỏ di chúc. Tuy nhiên, nếu di chúc trước đó đang được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc bắt buộc phải thông báo cho cơ quan này biết về việc thay thế di chúc.
(1). Có phải bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật?
Theo Điều 643 Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần trong trường hợp:
Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc
Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực. Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực.
Như vậy, theo quy định nêu trên, dù có nhiều bản di chúc nhưng chỉ có bản di chúc hợp pháp cuối cùng của người đó mới có hiệu lực.
(2) Điều kiện để di chúc hợp pháp là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
Nhiều người quan niệm rằng, lập di chúc đơn giản là việc “viết nguyện vọng của mình ra giấy là đủ”. Quan niệm này là chưa đầy đủ và thực tế có thể dẫn đến nhiều tranh chấp không đáng có. Để đảm bảo di chúc hợp pháp và đáp ứng điều kiện để các đồng thừa kế được phân chia di sản thì việc lập di chúc phải tuân thủ nội dung và hình thức theo quy định pháp luật, cụ thể như sau:
Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, di chúc phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc;
Đối với người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ, di chúc phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Điều kiện về nội dung: Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Điều kiện về hình thức: Hình thức di chúc không trái quy định của luật, có thể bằng văn bản hoặc di chúc miệng.
Đối với di chúc bằng văn bản thì phải có công chứng hoặc ít nhất 02 người làm chứng.
Đối với di chúc bằng miệng thì phải có ít nhất hai người làm chứng, được ghi chép lại và công chứng, chứng thực trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.
Điều kiện về người làm chứng:
Người làm chứng phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự (người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi…);
Người làm chứng không là người được hưởng thừa kế hay có quyền cũng như nghĩa vụ đối với tài sản trong di chúc.
(3) Đất chưa có sổ đỏ, có được lập di chúc không?
https://phong-partners.com/dat-chua-co-so-do-co-duoc-lap-di-chuc-khong
(4) Khi nào di chúc miệng có hiệu lực?
https://phong-partners.com/khi-nao-di-chuc-mieng-co-hieu-luc
(5) Con không có tên trong di chúc của cha, có được hưởng thừa kế không?
https://phong-partners.com/con-khong-co-ten-trong-di-chuc-cua-cha-co-duoc-huong-thua-ke-khong
Nếu bạn cần hiểu rõ và cụ thể hơn về nội dung này, bạn có thể gửi email, điện thoại hoặc đến trực tiếp văn phòng để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư chuyên nghiệp của Phong & Partners.
==============================
HỆ THỐNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI TP HỒ CHÍ MINH
Địa chỉ: Tầng 9, Toà nhà K&M, số 33 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 0905 102 425
LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS TẠI TP ĐÀ NẴNG
1. Luật sư Phong & Partners tại Hải Châu - Thanh Khê
Địa chỉ: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng.
Điện thoại: 02363 822 678 - 0905 102 425
2. Luật sư Phong & Partners tại Sơn Trà
Địa chỉ: 01 Đông Giang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0905 205 624
3. Luật sư Phong & Partners tại Liên Chiểu
Địa chỉ: 21 Trương Văn Đa, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0961 283 093
4. Luật sư Phong & Partners tại Ngũ Hành Sơn
Địa chỉ: 03 Chu Cẩm Phong, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0905 579 269
5. Luật sư Phong & Partners tại Cẩm Lệ - Hòa Vang
Địa chỉ: 346 Cách Mạng Tháng Tám, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Điện thoại: 0901 955 099
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Website: https://phong-partners.com
Fanpage: https://www.facebook.com/phongpartnerslaw
https://www.facebook.com/luatsugioinguhanhson
https://www.facebook.com/luatsusontra
https://www.facebook.com/luatsuquanlienchieu
https://www.facebook.com/LuatsuCamLe