Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển và các quan hệ lao động ngày càng đa dạng, tranh chấp lao động là một vấn đề khó tránh khỏi, đòi hỏi sự can thiệp của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan.
Vai trò của luật sư trong việc bảo vệ quyền lợi cho đương sự ở các vụ án tranh chấp lao động trở nên đặc biệt quan trọng. Để bảo vệ quyền lợi của đương sự trong vụ án tranh chấp lao động, bên cạnh các kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn, luật sư cần phải trau dồi những kỹ năng hành nghề của mình để thu thập thông tin, nghiên cứu vụ án và đưa ra phương án phù hợp là yếu tố then chốt để luật sư thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ công lý và quyền lợi cho đương sự.
1. Tranh chấp lao động là gì?
Khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động quy định: “Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.”
Tranh chấp lao động được phân loại thành hai loại:
-Tranh chấp lao động cá nhân: Xảy ra giữa người lao động và người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hoặc giữa người sử dụng lao động thuê lại và người lao động thuê lại.
-Tranh chấp lao động tập thể: Xảy ra dựa trên xung đột quyền lợi hoặc lợi ích giữa một hoặc nhiều tổ chức đại diện cho người lao động và người sử dụng lao động, hoặc giữa một hoặc nhiều tổ chức của người sử dụng lao động. Tổ chức đại diện cho tập thể người lao động thường là một công đoàn, tham gia như một trong các bên tranh chấp, yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các quyền lợi và lợi ích đã được thiết lập bởi tập thể người lao động.
2. Các loại tranh chấp lao động thường gặp?
-Tranh chấp liên quan đến hợp đồng lao động: Tranh chấp về thời hạn hợp đồng, nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng lao động.
-Tranh chấp kỷ luật lao động: Tranh chấp liên quan đến việc áp dụng các biện pháp như sa thải, hạ bậc lương, cách chức hoặc các hình thức kỷ luật khác mà người lao động không đồng tình.
-Tranh chấp về tiền lương: Tranh chấp về tiền lương cơ bản, thương thưởng, phụ cấp, kỳ vọng về tăng lương, vấn đề thanh toán hoặc các vấn đề tài chính khác.
-Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng lao động: Tranh chấp về lý do chấm dứt hợp đồng lao động, quyền lợi được hưởng khi chấm dứt hợp đồng và thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động.
-Tranh chấp về sức khỏe và an toàn lao động: Tranh chấp liên quan đến biện pháp bảo đảm an toàn lao động hoặc chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc.
-Tranh chấp về bảo hiểm xã hội và phúc lợi: Tranh chấp liên quan đến chế độ nghỉ phép, chế độ nghỉ bệnh, chế độ nghỉ sản xuất và chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
-Tranh chấp về thời gian làm việc: Tranh chấp liên quan đến thời giờ làm việc, đặc biệt là làm việc quá giờ, môi trường làm việc không an toàn và các chính sách lao động khác.
3. Tính đặc thù của vụ án tranh chấp lao động
-Tranh chấp lao động phát sinh tồn tại gắn liền với quan hệ lao động
Mối quan hệ này thể hiện ở hai điểm cơ bản: Các bên tranh chấp bao giờ cũng là chủ thể của quan hệ lao động và đối tượng tranh chấp chính là nội dung của quan hệ lao động đó. Trong quá trình thực hiện quan hệ lao động, có nhiều lý do để các bên không thực hiện đúng và đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đã được thống nhất ban đầu. Ví dụ, một trong hai bên chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình, hoặc điều kiện thực hiện hợp đồng, thoả ước đã thay đổi làm cho những quyền và nghĩa vụ đã xác định không còn phù hợp, hoặc cũng có thể do trình độ xây dựng hợp đồng và sự hiểu biết về pháp luật còn hạn chế dẫn đến các bên không hiểu đúng các qui định của pháp luật, các thoả thuận trong hợp đồng…
-Đối tượng tranh chấp
Liên quan đến các quyền và nghĩa vụ về:
•Tiền lương, phụ cấp, thưởng.
•Thời gian làm việc, nghỉ ngơi.
•Điều kiện làm việc, an toàn lao động.
•Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
•Quyền đình công hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
•…
-Tính pháp lý đặc thù
Tranh chấp lao động thường được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật lao động, ví dụ: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, hoặc các văn bản dưới luật. Các quy định này đặc thù hơn so với những tranh chấp dân sự hoặc thương mại thông thường.
-Phương thức giải quyết đặc thù
Giải quyết tranh chấp lao động là một vấn đề quan trọng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động. Tại Việt Nam, có nhiều phương thức được sử dụng để giải quyết trong các vụ án tranh chấp lao động, từ các biện pháp hòa giải cho đến việc sử dụng pháp lý. Dưới đây là những phương thức phổ biến và hiệu quả:
•Thương lượng: là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tự nguyện bàn bạc, thỏa thuận, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kỳ bên thứ ba nào.
•Hòa giải tại cơ sở thông qua hòa giải viên lao động: là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hòa giải – hòa giải viên lao động là người có năng lực, kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực lao động, được cơ quan chuyên môn về lao động chỉ định.
Theo quy định Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải được quy định tại khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019. Như vậy, hòa giải lao động được xem là một thủ tục bắt buộc khi giải quyết tranh chấp lao động.
•Hội đồng trọng tài lao động: là phương thức giải quyết tranh chấp lao động mà theo đó bên thứ ba có tính chất đặc định, đưa ra phán quyết mang tính chất quyết định cuối cùng về phương án giải quyết tranh chấp. Với tư cách là bên thứ ba, Hội đồng trọng tài sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp lao động dựa trên cơ sở các nguyên tắc nhất định theo sự thỏa thuận hợp pháp của các bên tranh chấp hoặc theo quy định của pháp luật.
•Giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án: là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của cơ quan tài phán nhà nước, nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo thủ tục, trình tự chặt chẽ nghiêm ngặt để đưa ra bản án hay quyết định buộc các bên có nghĩa vụ thi hành. Các tranh chấp lao động không yêu cầu hòa giải cơ sở tại hòa giải viên có thể yêu cầu trực tiếp đến tòa án có thẩm quyền để giải quyết.
4. Kiến thức, kỹ năng của luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong các vụ án tranh chấp lao động
-Kỹ năng trao đổi với khách hàng về tình tiết vụ án tranh chấp lao động
Khi tiếp xúc và trao đổi với khách hàng, luật sư cần nắm rõ tình tiết vụ án, mong muốn của khách hàng để từ đó xác định rõ quan hệ tranh chấp là gì và tạo cơ sở cho việc hướng dẫn và bảo vệ tốt nhất lợi ích cho khách hàng. Kỹ năng này đòi hỏi những yêu cầu cụ thể như sau:
•Hiểu rõ về tình tiết vụ án tranh chấp lao động
Việc tìm hiểu tình tiết vụ án có thể thông qua việc nghe lời trình bày của khách hàng và xem xét, đánh giá các tài liệu pháp lý liên quan. Thông thường, khi tiếp xúc lần đầu với khách hàng, luật sư cần lắng nghe khách hàng cung cấp thông tin về vụ việc. Kỹ năng lắng nghe không chỉ đơn thuần là tiếp nhận thông tin từ khách hàng, mà luật sư phải đồng thời chọn lọc, ghi chép để tránh bỏ sót hay ghi nhớ thông tin không cần thiết.
Bên cạnh kỹ năng lắng nghe, việc hỏi lại khách hàng nhằm bổ sung thông tin, làm rõ tình tiết cũng cần được tiến hành đồng thời khi trao đổi với khách hàng. Khách hàng thường nói và đưa ra khối lượng thông tin lớn về vụ việc, nhưng họ cũng có thể bỏ qua những chi tiết quan trọng hoặc cung cấp thông tin chưa rõ ràng. Vì vậy, luật sư cần có kỹ năng phân tích tốt để đưa ra câu hỏi phù hợp nhằm tổng hợp đầy đủ bức tranh về vụ án tranh chấp lao động của khách hàng.
•Nắm rõ được yêu cầu cụ thể của khách hàng
Thông qua việc lắng nghe, trao đổi, đặt câu hỏi và ghi chép những nội dung tranh chấp giữa các bên, luật sư sẽ tìm hiểu về những nguyện vọng và bức xúc của khách hàng. Đối với mỗi vụ án tranh chấp lao động, khách hàng có thể yêu cầu được thương lượng, hoà giải tại hoà giải viên lao động, giải quyết tranh chấp tại trọng tài lao động hoặc khởi kiện vụ án tại tòa án có thẩm quyền. Vì vậy, luật sư cần hiểu rõ yêu cầu của khách hàng để đưa ra lời khuyên phù hợp.
-Kỹ năng tư vấn sơ bộ để đưa ra cho khách hàng phương án khả thi trong việc giải quyết vụ án tranh chấp lao động
Kỹ năng này đòi hỏi luật sư phải có khả năng ăn nói thuyết phục, trình bày lưu loát và nắm chắc được vấn đề của khách hàng cũng như các quy định pháp luật tương ứng. Ở giai đoạn này, việc tiếp xúc và trao đổi với khách hàng là rất quan trọng, luật sư sẽ dựa vào các công cụ pháp lý để đưa ra cho khách hàng phương án giải quyết và lời khuyên, vì vậy luật sư phải tự tin và chắc chắn về những gì mình nói để xây dựng lòng tin cho khách hàng và thể hiện được sự chuyên nghiệp của mình. Kỹ năng này cũng thể hiện được năng lực của người luật sư trong việc thuyết phục khách hàng bằng các quan điểm và khả năng tư duy pháp lý.
Đối với các vụ án tranh chấp lao động, luật sư cần phải đưa ra tư vấn pháp lý sơ bộ cho khách hàng về những vấn đề quan trọng như: thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động, cách tính thời hiệu, thời hiệu đã hết hay chưa và trường hợp hết thời hiệu thì phải làm thế nào; thẩm quyền giải quyết tranh chấp; tính hợp lệ của các tài liệu, chứng cứ mà khách hàng cung cấp; điểm mạnh, điểm yếu của khách hàng trong vụ án; các phương án khả thi.
-Kỹ năng trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho khách hàng
Tài liệu cần thiết đầu tiền trong vụ án tranh chấp lao động là đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các tài liệu cần thiết nộp kèm theo đơn để chứng minh yêu cầu khởi kiện của khách hàng là có căn cứ và hợp pháp.
Trong các vụ án tranh chấp về lao động, tùy thuộc vào nội dung khách hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là yêu cầu gì mà từ đó luật sư có thể hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng thu thập, bổ sung các tài liệu cần thiết để chứng minh giữa người khởi kiện và người bị kiện tồn tại mối quan hệ pháp luật lao động như: hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng, bảng lương, quyết định của doanh nghiệp về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quyết định kỷ luật sa thải, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo...
-Kỹ năng trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá và sử dụng chứng cứ
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh chấp lao động, luật sư cần kiểm tra, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp. Nếu có căn cứ thể hiện Tòa án xác định quan hệ pháp luật chưa chính xác và việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của Tòa án ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng thì luật sư cần đề xuất với Tòa án để xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp giúp định hướng được văn bản pháp luật nội dung sẽ áp dụng. Ngoài ra, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp còn là cơ sở giúp luật sư nghiên cứu các vấn đề tố tụng của vụ án, bởi vì các quan hệ pháp luật khác nhau thì thủ tục tiền tố tụng cũng khác nhau nhất định.
Khi nghiên cứu về nội dung tranh chấp giữa các bên, tùy từng vụ tranh chấp cũng như yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố của các bên mà luật sư cần nghiên cứu các quy định khác nhau để tư vấn cho khách hàng như:
•Nếu là tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì luật sư cần nghiên cứu xem việc đơn phương đó có căn cứ không? Người sử dụng lao động có báo trước cho người lao động trong thời gian lao động theo quy định của pháp luật không?
•Nếu là tranh chấp về kỷ luật lao động, luật sư cần tập trung nghiên cứu về quyết định kỷ luật có căn cứ đúng pháp luật hay không? Người sử dụng lao động có thực hiện đúng trình tự, thủ tục khi xử lý kỷ luật lao động không? Người ký ban hành quyết định có đúng thẩm quyền không?
•…
-Kỹ năng khi tham gia giai đoạn xét xử sơ thẩm
Trên cơ sở quy định của pháp luật, luật sư chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm phải chuẩn bị các văn bản pháp luật, căn cứ xây dựng phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
Xây dựng kế hoạch xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm trong vụ án tranh chấp lao động trên cơ sở những tình tiết, sự kiện mà các bên đã thống nhất, mâu thuẫn, đang tranh chấp trong quá trình giải quyết vụ án, trên cơ sở đó soạn thảo luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng và tham gia tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Để làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, luật sư cần phải có các kỹ năng về việc đại diện thay mặt đương sự trình bày yêu cầu của họ tại phiên tòa sơ thẩm bảo đảm đúng, đầy đủ nội dung, yêu cầu, mong muốn của đương sự, không nên lạm dụng ngôn ngữ văn chương trong quá trình tranh tụng. Luật sư cần phải có thái độ ứng xử đúng mực, giữ đạo đức tư cách hành nghề của luật sư, không nên thể hiện thay đương sự sự bức xúc của họ trong vụ tranh chấp, dẫn đến những kết luận thái quá làm xúc phạm, tổn thương hay thiếu tôn trọng đối với các đương sự khác trong vụ án.
Bên cạnh đó, ngoài việc trình bày ý kiến tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì luật sư cần có kỹ năng đặt câu hỏi và tư vấn, hỗ trợ đương sự trong phần trả lời câu hỏi tại phiên tòa sơ thẩm. Theo dõi và có ý kiến về việc hội đồng xét xử sơ thẩm đã công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh, xem vật chứng. Kỹ năng đề xuất hoặc có ý kiến về việc tạm ngừng phiên tòa, kỹ năng tranh luận tại phiên tòa và kỹ năng sau khi kết thúc phiên tòa. Nếu nhận thấy việc tuyên án không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì luật sư cần tư vấn cho khách hàng thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
-Kỹ năng khi tham gia giai đoạn xét xử phúc thẩm
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, đương sự nếu không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án thì có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Luật sư với tư cách là người đại diện do đương sự ủy quyền hoặc tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ tư vấn và trợ giúp cho đương sự kháng cáo. Luật sư cần có các kỹ năng về việc xác định các điều kiện kháng cáo của đương sự là đúng theo quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc ủy quyền kháng cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 272 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp lao động tại phiên tòa phúc thẩm thì luật sư cần phải giúp các đương sự đạt được thỏa thuận, thực hiện các đề xuất đối với Tòa án, thu thập và bổ sung chứng cứ, chuẩn bị phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa phúc thẩm theo quy định của pháp luật,…
Trường hợp bản án phúc thẩm không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng thì luật sư cần tư vấn, giúp đỡ đương sự thực hiện quyền khiếu nại đến những người có thẩm quyền theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
5. Kinh nghiệm của luật sư bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong các vụ án tranh chấp lao động
-Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án:
•Nghiên cứu kỹ hợp đồng lao động: Đọc kỹ từng điều khoản, đặc biệt chú ý đến những điều khoản liên quan trực tiếp đến tranh chấp.
•Thu thập đầy đủ chứng cứ: Hồ sơ nhân sự, email, tin nhắn, biên bản cuộc họp, chứng nhân... là những bằng chứng quan trọng.
•Phân tích pháp luật liên quan: Bộ luật Lao động, các nghị định, thông tư hướng dẫn là căn cứ pháp lý chính để giải quyết tranh chấp.
-Xây dựng chiến lược pháp lý hiệu quả:
•Đánh giá tính khả thi của vụ án: Cân nhắc các yếu tố pháp lý, chứng cứ, khả năng thắng kiện để đưa ra chiến lược phù hợp.
•Lựa chọn hình thức giải quyết: Hòa giải, trọng tài hoặc kiện tụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ phức tạp của vụ việc.
•Xây dựng lập luận chặt chẽ: Dựa trên cơ sở pháp lý và chứng cứ, xây dựng lập luận logic, thuyết phục để bảo vệ quyền lợi của đương sự.
-Tham gia các hoạt động tố tụng: Soạn thảo các văn bản pháp lý; Tham gia các phiên hòa giải, phiên tòa; Thực hiện các thủ tục pháp lý.
-Hỗ trợ đương sự trong suốt quá trình giải quyết:
•Cung cấp thông tin pháp lý: Giải thích rõ ràng các quy định của pháp luật, quyền và nghĩa vụ của đương sự.
•Hỗ trợ tinh thần: Động viên, chia sẻ với đương sự trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
-Xử lý các tình huống đặc thù: các vụ tranh chấp tập thể, đình công…
-Kỹ năng mềm và đạo đức nghề nghiệp: trung thực, minh bạch, và bảo mật thông tin của thân chủ. Kiến thức chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, đàm phán rõ ràng nhằm tăng khả năng thắng kiện.
6. Bản án, án lệ liên quan
-Bản án 852/2019/LĐ-PT ngày 27/09/2019 về tranh chấp tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp thất nghiệp, tiền tạm ứng
“… Từ tháng 01/2012 cho đến khi ông H xin nghỉ việc Công ty V liên tục trả thiếu tiền lương và lương kiêm nhiệm; không thanh toán tiền thưởng trên doanh số bán hàng của năm 2010 và năm 2011; không hoàn trả lại cho ông H tiền chênh lệch giữa tạm ứng và thực chi của chi phí bán hàng. Ngày 13/3/2013, ông H nộp đơn xin nghỉ việc và yêu cầu Công ty V trả cho ông các khoản tiền lương, thưởng, chi phí bán hàng và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Ngày 29/3/2013, ông Hnhận được công văn số 263/VM-NS của Công ty V chấp thuận đơn xin nghỉ việc nhưng lại từ chối chi trả tất cả các khoản tiền mà ông H yêu cầu; đồng thời, không trả Sổ bảo hiểm xã hội để ông H làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật…”
-Quyết định giám đốc thẩm số 03/2023/LĐ-GĐT ngày 10-3-2023 của TANDCC tại tp Hồ Chí Minh: Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động; chấm dứt hợp đồng lao động
“Ông Võ Hiếu N1là viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn với Trung tâm H1từngày 01/02/2012. Sau khi ông N1 nộp đơn xin nghỉ việc,Trung tâm H1 không giải quyết mà ban hành các quyết định kỷ luật ông N1. Ông N1 khởi kiện, yêu cầu hủy các quyết định kỷ luật này và yêu cầu Trung tâm H1 tiến hành giải quyết đơn xin nghỉ việc cho ông, cụ thể là ban hành quyết định nghỉ việc, chốt bảo hiểm xã hội, rút hồsơ đăng ký nghành nghề khám chữa bệnh…”
-Bản án số 01/2021/LĐ-PT ngày 04-02-2021 của TAND tp Đà Nẵng: Tranh chấp về bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
“…Việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty Cổ phần Du lịch V là không đúng quy định. Vì vậy, Ông Lâm Quang Tuấn Vyêu cầu Công tyCổ phần Du lịch Vthu hồi, hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật số 91 NS/QĐ-DLVN ngày 28/09/2019 của Công ty Cổ phần Du lịch Vvề việc chấm dứt hợp đồng lao động với Ông Lâm Quang Tuấn V. Yêu cầu Công ty phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật lao động, nhận ông Vtrở lại làm việc, trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc kể từ ngày 28/09/2019 đến ngày xét xử theo mức lương…”
Phong & Partners cung cấp tất cả dịch vụ pháp lý với chất lượng cao nhất - là kết quả từ sự chuyên nghiệp, chuyên tâm và sự gắn kết, hỗ trợ hiệu quả của toàn hệ thống vì lợi ích cao nhất của khách hàng.