Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự đa dạng và phức tạp của các hoạt động kinh doanh, sự phát triển nhanh chóng nằm ngoài tầm kiểm soát của nền kinh tế, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn và yêu cầu bức thiết về việc phải đưa doanh nghiệp đi lên, phát triển hiệu quả nhằm tránh nguy cơ bị đào thải trong tiến trình phát triển đầy thách thức và biến đổi không ngừng của thị trường. Để giải quyết được vấn đề này, tái cấu trúc được hiểu là một con đường tất yếu không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp. Vậy tái cấu trúc doanh nghiệp là gì? Với phạm vi hạn hẹp của một bài viết thì khó có thể khái quát hết tất cả các vấn đề liên quan, Phong & Partners chỉ hy vọng giới thiệu những điểm cơ bản nhằm phần nào đáp ứng sự quan tâm của Quý bạn đọc đến lĩnh vực Tái cấu trúc doanh nghiệp.
1. Tái cấu trúc doanh nghiệp là gì?
Tái cấu trúc doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình tổ chức và sắp xếp lại doanh nghiệp dựa trên nền tảng cấu trúc cũ nhằm mục đích thay đổi cấu trúc, phương thức vận hành để khắc phục những yếu kém nội tại hay tạo ra “trạng thái” tốt hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong tương lai.
Một kế hoạch tái cấu trúc toàn diện thường sẽ bao trùm hầu hết các lĩnh vực như: cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động, các quá trình; và các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có thể triển khai việc tái cấu trúc với một hay nhiều mảng của doanh nghiệp, có thể là cơ cấu, quy trình hoạt động, tài chính, nhân sự, nợ, hệ thống quản trị rủi ro... nhằm đạt mục tiêu là cải thiện khả năng hoạt động hiệu quả của bộ phận đó. Ngoài ra, tái cấu trúc doanh nghiệp cũng có thể thực hiện bằng phương pháp tổ chức lại doanh nghiệp như tách, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, thành lập công ty con, chi nhánh...
2. Khi nào cần tái cấu trúc doanh nghiệp?
Tái cấu trúc doanh nghiệp là một việc làm rất bức thiết khi doanh nghiệp đang gặp các vấn đề khiến cho tình hình hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nếu tiếp tục hoạt động mà không có sự thay đổi về cơ cấu thì chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề nghiêm trọng như thua lỗ trầm trọng, nguy cơ phá sản, không thể tiếp tục hoạt động…; hoặc những doanh nghiệp đang phát triển muốn thực hiện việc tái cấu trúc để tối ưu hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng tầm thương hiệu, hay đơn giản là để phát triển hơn nữa. Cụ thể một số trường hợp như sau:
- Doanh nghiệp đang gặp vấn đề bất hợp lý trong cơ cấu khiến quá trình hoạt động không hiệu quả, thậm chí trì trệ, đứng trước nguy cơ tan rã, phá sản; nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do cơ cấu sai, chiến lược hoạch định không hợp lý, nguồn nhân lực yếu kém, không có sự phối hợp giữa các bộ phận, quản lý không hiệu quả, quản trị yếu kém, cơ cấu tài chính chưa phù hợp… Trường hợp này, doanh nghiệp có thể thực hiện một trong các hoạt động tái cấu trúc như: Thay đổi cơ cấu tổ chức, tái cấu trúc nhân sự, quản lý, tái cấu trúc nợ, thay đổi chiến lược kinh doanh…
- Doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô, muốn chuyển mình thành một doanh nghiệp lớn mạnh, tiến bộ hơn, nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trường hợp này, doanh nghiệp có thể tái cấu trúc dưới các hình thức như: chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, sáp nhập, tách doanh nghiệp, thành lập những công ty con, chi nhánh…
3. Tại sao cần tái cấu trúc doanh nghiệp?
Việc tái cấu trúc sẽ giúp doanh nghiệp định hướng lại những vấn đề về sứ mệnh, mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược hoạt động, đồng thời khắc phục hoặc loại bỏ những yếu kém, tồn tại hiện trạng của doanh nghiệp mình. Chính điều này sẽ là nền tảng giúp cho doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, có thể phát triển, tồn tại và tìm được chỗ đứng vững chắc trên thương trường. Tái cấu trúc doanh nghiệp bắt nguồn từ nhiều yếu tố, tùy thuộc vào tình hình và nhu cầu của mỗi doanh nghiệp, theo đó những lợi ích mà việc tái cấu trúc mang lại thường bao gồm:
- Giảm chi phí hoạt động;
- Nâng cao khả năng sinh lợi;
- Gỡ bỏ mọi rào cản hạn chế năng suất lao động;
- Nâng cao hiệu quả kiểm soát;
- Cấu trúc nợ được sắp xếp lại với các điều khoản tài chính được hoàn thiện;
- Có thêm nguồn lực giúp quy mô doanh nghiệp phát triển nhanh chóng;
- Sắp xếp, tổ chức lại lao động, hệ thống sản xuất, hệ thống tài chính, hệ thống phân phối và thị trường tiêu thụ hoạt động hiệu quả;
- Giúp doanh nghiệp đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh;
- Xây dựng và phát triển thương hiệu, tăng uy tín cho thương hiệu của doanh nghiệp;
- Tăng phạm vi ảnh hưởng của doanh nghiệp; mở rộng phạm vi hoạt động, tăng chi nhánh, văn phòng đại diện cho doanh nghiệp ở nhiều địa phương, từ đó tăng thêm cơ hội tiếp cận thị trường và khuyếch trương sản phẩm/danh tiếng của doanh nghiệp.
4. Những vấn đề pháp lý cần giải quyết khi thực hiện tái cấu trúc
Đối với mỗi phương án tái cấu trúc, doanh nhiệp sẽ phải thực hiện những quy trình khác nhau và giải quyết những vấn đề pháp lý tương ứng đối với từng phương án, cụ thể như dưới đây:
- Về tái cấu trúc nhân sự: Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp; Thiết lập lại hệ thống mô tả công việc, tiêu chuẩn công việc; Đánh giá và bố trí sắp xếp lại nhân sự, điều chỉnh các chính sách quản trị nguồn nhân lực mới phù hợp; Xây dựng quy trình tuyển dụng và quản lý nhân sự của doanh nghiệp; Xây dựng quy trình đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc của nhân sự; Giải quyết những vấn đề pháp lý về điều kiện, thủ tục tái cấu trúc nhân sự, những vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động…
- Về tái cấu trúc cơ cấu doanh nghiệp và quản lý nội bộ: Xác định các giá trị cốt lõi để đánh giá lại tổng thể hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức nhân sự để đủ năng lực nhằm thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp; Xây dựng phương án chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp; Những vấn đề về hồ sơ, thủ tục, quy trình chuyển đổi doanh nghiệp; Những vấn đề pháp lý liên quan đến xây dựng bộ máy quản lý và xây dựng văn bản quản lý nội bộ như Điều lệ, Quy chế lương thưởng, Quy chế tài chính, Nội quy lao động, hệ thống mẫu văn bản tiêu chuẩn...
- Về tái cấu trúc hệ thống đơn vị phụ thuộc bằng các phương pháp sáp nhập, tách doanh nghiệp, thành lập công ty con, thành lập chi nhánh, chuyển đổi các loại hình chi nhánh, văn phòng: Những vấn đề về hồ sơ, điều kiện và thủ tục thực hiện từng phương án tái cấu trúc; Xây dựng quy trình tổ chức hoạt động với mô hình mới, xây dựng phương án sử dụng lao động; Xây dựng các văn bản quản trị nội bộ…
5. Những dịch vụ pháp lý của Văn phòng Luật sư Phong & Partners về tái cấu trúc doanh nghiệp
Văn phòng luật sư Phong & Partners sẽ cung cấp những dịch vụ pháp lý về tái cấu trúc doanh nghiệp như sau:
- Tư vấn về tổ chức đánh giá lại cơ cấu và hoạt động hiện tại của doanh nghiệp;
- Tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý về cơ cấu sắp xếp nhân sự lao động;
- Tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý về tổ chức lại doanh nghiệp;
- Tư vấn và thực hiện các thủ tục pháp lý về chuyển đổi hình thức doanh nghiệp;
- Xây dựng hệ thống văn bản quản trị nội bộ phù hợp với yêu cầu tái cấu trúc;
- Tư vấn và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Mọi thắc mắc liên quan đến tái cấu trúc doanh nghiệp, hãy liên hệ với chúng tôi.
===================
VĂN PHÒNG LUẬT SƯ PHONG & PARTNERS
Add: Tầng 6 Toà nhà Thành Lợi, 249 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng - 0905.102425
CN Sơn Trà: 01 Đông Giang, Đà Nẵng - 0905.205624
CN Liên Chiểu: 21 Trương Văn Đa, Đà Nẵng - 0901.955099
CN Ngũ Hành Sơn: 03 Chu Cẩm Phong, Đà Nẵng - 0905.579269
Tel: 0236.3822678
Email: phongpartnerslaw@gmail.com
Web: https://phong-partners.com